|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đồng yen chuẩn bị cho sự đảo chiều đi lên trong năm 2023

20:52 | 02/01/2023
Chia sẻ
Giới chuyên gia phân tích cho hay đồng yen dự kiến sẽ tăng giá vào năm 2023 trong một đợt phục hồi mạnh từ khi đồng nội tệ của Nhật Bản lao dốc xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với đồng USD.

Đồng yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Các nhà phân tích cho biết tác động của việc đồng yen tăng giá đối với các công ty có mức độ tiếp xúc cao với thị trường nước ngoài và triển vọng tăng trưởng chậm hơn có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Tokyo.

Một đồng yen mạnh sẽ giúp xoa dịu nỗi đau do chi phí gia tăng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Một đồng yen mạnh hơn

Giới chuyên gia phân tích cho hay đồng yen dự kiến sẽ tăng giá vào năm 2023 trong một đợt phục hồi mạnh từ khi đồng nội tệ của Nhật Bản lao dốc xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với đồng USD - điều đã khiến chứng khoán Nhật Bản giảm điểm cùng với triển vọng ảm đạm cho kinh tế toàn cầu.

Các nhà phân tích thị trường cho biết, đồng nội tệ của Nhật Bản dự kiến sẽ tăng lên 120 yen đổi 1 USD từ mức hiện tại khoảng 133 yen đổi 1 USD, do chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu dài hạn của Nhật Bản và Mỹ được thu hẹp.

Dự báo trên hoàn toàn trái ngược với diễn biến năm vừa qua của đồng tiền này. Đồng tiền Nhật Bản đã giảm hơn 30% từ khoảng 115 yen đổi 1 USD vào đầu năm 2022 xuống mức thấp nhất trong cùng năm là gần 152 yen đổi 1 USD vào tháng 10/2022, mức chưa từng thấy kể từ năm 1990.

Các nhà phân tích cho biết việc đồng yen mạnh lên sẽ làm giảm triển vọng thu nhập của Toyota Motor Corp., Sony Group Corp. và các nhà xuất khẩu lớn khác của Nhật Bản. Đồng thời, diễn biến đó có thể kéo chỉ số Nikkei 225 xuống ngưỡng 25.000 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của năm 2022 ở mức 26.094,50 điểm. Như vậy, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 9,4% so với đầu năm ngoái và là lần giảm theo năm đầu tiên sau bốn năm.

Tuy nhiên, đồng yen mạnh hơn sẽ cắt giảm lợi nhuận kiếm được ở nước ngoài của các doanh nghiệp khi hồi hương, đồng thời làm suy yếu khả năng cạnh tranh về giá của các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất ở nước ngoài.

Động thái của Fed và BoJ

 Đồng yen của Nhật Bản và USD. (Ảnh: AFP/TTXVN). 

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed tức ngân hàng trung ương) thắt chặt chính sách tiền tệ đã khiến đồng USD tăng cao so với đồng yen. Song ông Norihiro Fujito, chiến lược gia trưởng đầu tư tại công ty dịch vực tài chính Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, nhấn mạnh điều này sẽ thay đổi đáng kể trong năm tới và đề cập đến sự phục hồi dự kiến của đồng yen so với đồng bạc xanh.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Takuya Kanda, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Gaitame.com, cho biết những người tham gia thị trường có thể bắt đầu nhận thấy dấu hiệu Fed kết thúc chiến dịch tăng lãi suất vào tháng 3/2023 hoặc tháng 4/2023. Ông chỉ ra hàng loạt dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát đang tăng chậm lại.

Fed đã làm chậm tốc độ nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 12/2022. Theo đó, ngân hàng trung ương Mỹ chỉ điều chỉnh lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm sau bốn lần tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp để chống lại lạm phát vẫn quanh mức cao nhất trong 40 năm.

Một số nhà phân tích cho biết việc Fed tăng lãi suất nhanh chóng và khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới lao đao có thể buộc ngân hàng này cắt giảm lãi suất vào năm 2023.

Lộ trình chính sách tương lai của Fed có thể thúc đẩy hoạt động mua đồng yen, khi các nhà tham gia thị trường kỳ vọng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tìm cách thoát khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng kéo dài một thập kỷ. Động thái đó có thể thu hẹp khoảng cách về lợi suất trái phiếu giữa Nhật Bản và Mỹ.

Các chuyên gia thị trường đã nhận định việc Fed phải ra quyết định tại cuộc họp chính sách gần nhất vào tháng 12/2022  về việc tăng biên độ dao động lợi suất trái phiếu như là bước đầu tiên trong quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ nới lỏng dưới thời Thống đốc Haruhiko Kuroda, người sẽ mãn nhiệm vào tháng 4/2023.

Việc BoJ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ đã khiến đồng yen trượt giá không ngừng vào năm 2022, dẫn đến chi phí đầu vào cao hơn và do đẩy giá mua nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Chi phí năng lượng cao hơn làm trầm trọng thêm giá cả tăng do xung đột Nga -Ukraine.

Các nhà chức trách Nhật Bản đã can thiệp thị trường tiền tệ vào tháng 9/2022, khi đồng yen đối mặt với áp lực bán mạnh. Quyết tâm của chính quyền nhằm ngăn chặn sự lao dốc của đồng tiền này trong lần can thiệp mua đồng yen đầu tiên của Nhật Bản trong khoảng 24 năm đã giúp thay đổi diễn biến của cặp tiền tệ. 

H.Thủy