Đồng Yên bất ngờ đảo chiều, doanh nghiệp vay Yên 'khấp khởi' mừng
Cú lội ngược dòng "chóng vánh" của đồng Yên
Liên tục nằm trong xu hướng tăng giá, đồng yên đã bất ngờ quay đầu từ cuối tháng 9. Xu hướng giảm giá của đồng tiền này trở nên rõ nét từ đầu tháng 11 khi sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ chuẩn bị diễn ra và ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump chính thức đắc cử ngày 9/11.
Từ mức 100 yên Nhật đổi 1 USD ngày 21/9, hiện phải cần tới 110,66 yên để đổi 1 USD. Đồng USD đã tăng giá hơn 10% so với yên Nhật chỉ sau hơn một tháng. Diễn biến tỷ giá USD/JPY cũng trùng khớp với xu hướng của chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh thời gian gần đây.
Tỷ giá USD/JPY và chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh
Doanh nghiệp vay Yên thở phào
Đồng USD đang mạnh lên khiến một loạt đồng tiền của các nước khác giảm giá, trong đó có Nhật Bản. Tỷ giá VND/USD những ngày qua cũng có dấu hiệu tăng khá rõ nét. Tuy nhiên, theo tỷ giá áp dụng tại Vietcombank, tỷ giá USD mua chuyển khoản hiện là 22.400 đồng/USD, tăng 0,7% so với thời điểm đầu tháng 11 (22.285 đồng/USD).
Tỷ giá VND/USD hiện đang được điều chỉnh theo cơ chế tỷ giá trung tâm và đã liên tục ổn định trong 10 tháng đầu năm, giúp NHNN gia tăng đáng kể lượng dự trữ ngoại hối.
Diễn biến tỷ giá USD đến ngày 11/11
Mức tăng này khá khiêm tốn so với các đồng tiền khác trên thế giới, khiến tỷ giá giữa đồng nội tệ và một số ngoại tệ khác được tính theo cơ chế tỷ giá chéo có biến động mạnh.
Sau một thời gian dài tăng, tỷ giá giữa VND và Yên Nhật đã bất ngờ sụt giảm xuống còn 202,57 VND/JPY. Tỷ giá JPY/VND ngày 18/11 hiện chỉ còn tăng 8,9% so với thời điểm đầu năm, trong khi cuối quý III vừa rồi, đồng Yên đã tăng giá 18,45% so với đầu năm.
Tỷ giá JPY/VND tại thời điểm cuối các quý và ngày 18/11
Đồng Yên tăng đã trở thành "ác mộng kinh hoàng" đối với một loạt các doanh nghiệp đang vay nợ bằng đồng Yên. Lợi nhuận kinh doanh các quý vừa qua bị "ăn mòn" bởi các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá giá, một khoản chi phí phi tiền mặt.
Không ít các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang vay Yên với dư nợ khổng lồ. Tập đoàn Điện lực EVN mới đây đã công bố BCTC quý II/2016 gây bất ngờ với số lỗ lên tới 700 tỷ đồng dù hoạt động kinh doanh trong báo cáo sơ kết trước đó cho thấy sự tăng trưởng đáng khích lệ. Trần tình về khoản lỗ này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri có tới chi phí có hơn 6 nghìn tỷ đến từ chênh lệch tỷ giá 6 tháng đầu năm phát sinh. (Xem thêm)
>> Gần 23 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày vẫn chưa phải "ác mộng" của EVN ACV cũng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ sự tăng giá của Yên Nhật. Ttính đến thời điểm 30/6, ACV có tới hơn 15.600 tỷ đồng vay nợ dài hạn là bằng đồng Yên thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng với đó là các hiệp định vay vốn để xây dựng nhà ga T2 cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Tổng số vốn vay bằng đồng Yên lên tới 15.775 tỷ đồng. Lỗ tỷ giá kéo tụt lợi nhuận hơn 1.379 tỷ đồng khiến ACV lỗ 124 tỷ đồng.
Cũng trong quý II, khi đồng Yên "mới" tăng giá 16,22%, Cảng Hải Phòng giảm hơn 30% lợi nhuận mà một trong các nguyên nhân chính là bởi đồng yên tăng giá.
Quý III/2016, Nhiệt điện Phả Lại (PPC), ông lớn ngành nhiệt điện, cũng bất ngờ báo lãi vỏn vẹn 13 triệu đồng. Lợi nhuận 9 tháng âm tới 349 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 440 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nhưng nguyên nhân lớn hơn là lỗ tỷ giá đã kéo chi phí tài chính 9 tháng đầu năm tăng gấp đôi.
"Tội đồ" đồng Yên Nhật đã kéo lợi nhuận của một loạt doanh nghiệp. Cú lội ngược dòng bất ngờ của đồng Yên thời gian qua nếu tiếp tục được duy trì đến cuối quý IV sẽ giúp những doanh nghiệp này lấy lại những gì đã mất thời gian qua. Tuy nhiên, những thay đổi trên thị trường ngoại hối (FX) là điều khó lòng nắm bắt.