|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng vốn ngoại vào thị trường cận biên vẫn kém khả quan, Việt Nam không phải ngoại lệ

08:25 | 12/10/2020
Chia sẻ
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI, mặc dù một số quĩ đầu tư lớn vẫn duy trì quan điểm khá tích cực với TTCK Việt Nam trong các báo cáo nhà đầu tư nhưng chưa nhìn thấy các chuyển biến rõ rệt trong xu hướng dòng tiền chủ động tại Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư vào thị trường cận biên vẫn kém khả quan

Mới đây, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) công bố báo cáo cập nhận diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 9. Theo đó, diễn biến dịch bệnh phức tạp vẫn là yếu tố cơ bản khiến dòng tiền vào cổ phiếu dao động mạnh.

Dòng tiền đầu tư cổ phiếu tháng 9 có phần tích cực hơn tháng 8 (ngoại trừ Châu Âu). Mức rút ròng khỏi cổ phiếu Mỹ thu hẹp từ âm 16,2 tỉ USD xuống âm 4,7 tỉ USD, Nhật Bản có 3 tuần vốn vào liên tiếp sau khi có thủ tướng mới. Các thị trường mới nổi có tháng tiền vào đầu tiên kể từ tháng 2/2020 đến nay.

Các quĩ đầu tư cổ phiếu toàn cầu và thị trường Trung Quốc vẫn là điểm sáng hút vốn. Có thêm 15 tỉ USD đổ vào các quĩ đầu tư cổ phiếu toàn cầu trong tháng 9, ghi nhận 14 tuần hút vốn liên tiếp, tổng cộng là 40,4 tỉ USD. 

Ở thị trường Trung Quốc, có 4,3 tỉ USD vốn mới đổ vào cổ phiếu và và 2,5 tỉ USD vào trái phiếu trong tháng 9. Trong đó, dòng vốn các quĩ ETF vào Trung Quốc đã dương 15 tuần liên tiếp.

Dấu hiệu tích cực của dòng vốn thể hiện rõ nhất trong tuần cuối cùng của tháng 9, khi có tới 11 tỉ USD vốn vào các quĩ cổ phiếu cả ở các thị trường phát triển và thị trường mới nổi, cao gấp 5 lần dòng vốn vào trái phiếu. Tuy nhiên dòng vốn vào các thị trường cận biên vẫn kém khả quan (rút ròng 9 tuần trong tổng cộng 10 tuần gần đây).

Theo đánh giá của Chứng khoán SSI, 3 yếu tố lớn nhất tác động đến diễn biến dòng vốn toàn cầu gồm làn sóng dịch bệnh lần hai, bầu cử Tổng thống tại Mỹ và nguy cơ bong bóng cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Chưa nhìn thấy các chuyển biến rõ rệt trong xu hướng dòng tiền chủ động tại Việt Nam

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng vốn ETF duy trì xu hướng tích cực. Tháng 9 ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp có dòng tiền dương vào các ETF, với giá trị 531 tỉ đồng. Đóng góp lớn nhất là từ VNDiamond ETF (293 tỉ đồng), VFM VN30 ETF (120 tỉ đồng) và KIM Kindex Vietnam (122 tỉ đồng). Trong khi các ETF ngoại như VanEck và FTSE Vietnam giao dịch chậm lại. 

Như vậy trong vòng 5 tháng các ETF đã huy động thêm được 2.830 tỉ đồng. Tính từ đầu năm con số là 1.846 tỉ đồng, đóng góp lớn nhất là từ các ETF nội mới như VNDiamond ETF (1.870 tỉ đồng), VNFin Lead (700 tỉ đồng).

Dòng vốn ngoại vào thị trường cận biên vẫn kém khả quan, Việt Nam không phải ngoại lệ - Ảnh 1.

Tuy nhiên, về mặt tổng quan thì khối ngoại vẫn bán ròng trên sàn chứng khoán. Trong tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.608 tỉ đồng trên 3 sàn.

Nhưng nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận mua 67 triệu cổ phiếu VHM ngày 10/9, khối ngoại vẫn bán ròng 3.400 tỉ đồng. Nếu không tính các giao dịch thỏa thuận lớn của VHM và MSN, các NĐTNN đã bán ròng tổng cộng 27.650 tỉ đồng trong 9 tháng năm 2020.

Mặc dù một số quĩ đầu tư lớn vẫn duy trì quan điểm khá tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam trong các báo cáo nhà đầu tư nhưng Chứng khoán SSI chưa nhìn thấy các chuyển biến rõ rệt trong xu hướng dòng tiền chủ động tại Việt Nam.

Phan Quân

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.