|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dòng vốn M&A: Khi đầu tư nội địa chững lại, vốn ngoại vẫn chảy mạnh

07:04 | 29/11/2023
Chia sẻ
Trong 10 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước chuyển sang thế phòng thủ để đánh giá lại chiến lược của mình, thị phần giá trị M&A đã giảm xuống còn 161,6 triệu USD, tương đương 4% tổng giá trị giao dịch được công bố.

Tham luận tại Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức chiều ngày 28/11, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia, cho biết hoạt động và giá trị giao dịch M&A toàn cầu bị đình trệ khi các nhà đầu tư đối mặt với những bất ổn chính trị và kinh tế vĩ mô trên toàn thế giới.

Thị trường đã trải qua cơn sốt về giá trị và khối lượng giao dịch bởi các nhà đầu tư trong nước từ năm 2020, khi nhiều công ty củng cố thị phần và phân khúc kinh doanh. Tuy nhiên, cơn sóng từ vốn nội địa chưa từng có đã kết thúc vào năm ngoái khi đạt đỉnh với hơn 1,3 tỷ USD về giá trị giao dịch.

Trong 10 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước chuyển sang thế phòng thủ để đánh giá lại chiến lược của mình, thị phần giá trị M&A đã giảm xuống còn 161,6 triệu USD, tương đương 4% tổng giá trị giao dịch được công bố.

Khác với hai năm trước khi nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế, nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm lĩnh cả 5 vị trí top đầu về giá trị giao dịch trong 10 tháng. Nhật Bản, Singapore, và Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất. Ba nhà đầu tư này chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch được công bố.

 

Tại Việt Nam, mặc dù lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức 4% cho đến nay và dự kiến tăng trưởng GDP vừa phải ở mức 4,7% trong năm 2023 theo Ngân hàng Thế giới, thế nhưng Việt Nam không phải là ngoại lệ trước xu hướng chậm lại của thị trường M&A toàn cầu. Giá trị giao dịch trong 10 tháng đầu năm 2023 giảm 23% so với đầu năm. Số lượng thương vụ cũng thấp hơn so với hai năm trước.

Tuy nhiên, các yếu tố kinh tế nội tại của Việt Nam vẫn đang được duy trì, với nguồn FDI vẫn chảy vào ổn định và cam kết của chính phủ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cải cách kinh tế vẫn tiếp tục không suy giảm.

“Sự sụt giảm tạm thời trong thị trường M&A có thể được xem như một phần của chu kỳ kinh tế rộng hơn. 2023 là một năm thị trường tìm lại cân bằng để tiến tới phát triển bền vững”.

So với cùng kỳ, sự tăng vọt đáng kể trong giá trị giao dịch trung bình của các thương vụ được công bố đạt mức trung bình 54,5 triệu USD mỗi giao dịch trong 10 tháng đầu năm (năm 2022 là 15,3 triệu USD và năm 2021 là 31,1 triệu USD), cho thấy nhà đầu tư vẫn tích cực tham gia tìm kiếm các thương vụ chiến lược”, đại diện KPMG nhận định.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia. (Nguồn: Báo Đầu tư).

Ông Warrick Cleine cho rằng nhìn chung có nhiều yếu tố vĩ mô ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến các doanh nghiệp trong năm 2023. Rất khó để các doanh nghiệp có thể tác động đến những xu hướng chung vĩ mô.

Do đó, việc doanh nghiệp tập trung vào nội lực của mình để vượt qua những biến động hiện tại và vào vị thế sẵn sàng nắm bắt các cơ hội sắp tới là điều quan trọng hơn bao giờ hết.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần phải hành động quyết đoán để phục hồi, hoạch định các chiến lược linh hoạt nhằm bảo vệ hoạt động và mở đường quay lại tăng trưởng bền vững, bao gồm việc quản lý vốn lưu động khéo léo, một giải pháp mang lại lợi ích đáng kể với chi phí tối thiểu.

Cốt lõi của việc tối ưu hóa vốn lưu động là giải phóng tiền mặt, từ đó hoạt động kinh doanh được tổ chức hiệu quả hơn. Đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện tại, các doanh nghiệp đang rất cần thanh khoản cho hoạt động kinh doanh hàng ngày, thanh toán nợ và tái cấu trúc nội bộ.

Tối ưu hóa vốn lưu động theo chuyên gia KPMG bao gồm việc cải thiện quản lý các khoản phải thu, phải trả và hàng tồn kho. Chẳng hạn như tiêu chuẩn hóa quy trình mua hàng có thể dẫn đến việc giải phóng tiền mặt trong chu kỳ phải trả.

Tương tự, tối ưu hóa các khoản phải thu có thể bao gồm việc giảm thiểu các khoản phải thu quá hạn và cải thiện quy trình thanh toán hóa đơn.

Song song đó là các công ty cần phải cân nhắc kỹ về tài sản và nợ phải trả lâu dài của mình, bao gồm tái cấu trúc lại nợ để đảm bảo cấu trúc vốn được hỗ trợ bởi dòng tiền dự kiến và tập trung đầu tư vào các phân khúc kinh doanh cốt lõi.

“Chìa khóa không chỉ nằm ở việc triển khai những chiến lược này mà còn ở việc theo dõi và đánh giá liên tục. Việc theo dõi chi tiết và thường xuyên các thành phần của vốn lưu động là vô cùng quan trọng”, ông Warrick Cleine lưu ý.

Nguyên Ngọc