Dòng tiền tín dụng và huy động tìm đến những địa chỉ nào?
Báo cáo tại kì họp Quốc hội cho biết, trong 10 tháng qua, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống mới đạt 11,81% trong khi kế hoạch cả năm là 17 - 18%. Khảo sát tại 9 ngân hàng thương mại, hầu hết ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình hệ thống.
So sánh một số chỉ tiêu giữa các NHTM sau 9 thán |
BIDV dẫn đầu về quy mô tín dụng và tiền gửi
Tính trên tốc độ tăng trưởng lũy kế 3 quý, ACB đang có mức tăng trưởng tín dụng so với đầu năm cao nhất với xấp xỉ 18%. Trong khối NHNN, ngân hàng đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất là VietinBank, đạt 16,2%. Tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhóm là VIB Bank với 11,7%.
Tuy nhiên, nếu xét về quy mô tín dụng, BIDV hiện đang dẫn đầu về khối lượng cho vay trên toàn hệ thống với 675.000 tỷ đồng. Đứng thứ hai là VietinBank với 625.000 tỷ đồng. Vị trí thứ ba thuộc về Vietcombank với tổng khối lượng tín dụng 9 tháng đạt 448.000 tỷ đồng.
Ghi nhận tại khối ngân hàng TMCP, Sacombank hiện đang có quy mô tín dụng cao nhất với quy mô hơn 187.000 tỷ đồng. Xếp ngay sau Sacombank là ACB với xấp xỉ 160.000 tỷ đồng. Tiếp theo lần lượt là MBBank và Techcombank với giá trị lần lượt là 145.600 tỷ đồng và 135.600 tỷ đồng. Trong số các NHTM được khảo sát, VIB hiện đang có quy mô nhỏ nhất với hơn 53.000 tỷ đồng.
Chênh lệch tín dụng và huy động tại một số NHTM |
Các ngân hàng Nhà nước vẫn là bên thu hút khối lượng tiền gửi trong dân cư lớn nhất. Trong đó, BIDV tiếp tục dẫn đầu về tổng quy mô huy động tiền gửi, tăng xấp xỉ 26% so với đầu năm, đạt 712.000 tỷ đồng. Xếp ngay sau là VietinBank, tổng khối lượng huy động đạt 625.500 tỷ đồng; tiếp theo là Vietcombank với hơn 573.000 tỷ đồng.
Theo khảo sát, Sacombank đang là đơn vị huy động tiền gửi nhiều nhất tại khối ngân hàng TMCP với 283.380 tỷ đồng. Kế tiếp là ACB và MBBank, lần lượt đạt 201.390 tỷ đồng và 186.790 tỷ đồng. Đứng cuối cùng trong danh sách này là VIB Bank với khối lượng huy động đạt 60.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu ở Eximbank đạt 3,35%, tăng 1,85% so với đầu năm
Hiện tại, tỷ lệ nợ xấu mà các ngân hàng thương mại hướng tới là dưới 3%/tổng dư nợ. Thực tế, trong 9 tháng qua, nhiều ngân hàng đã đạt được con số này. Điển hình như tại các “ông lớn”, tỷ lệ này trong kì ở mức dưới 2%. Cụ thể, BIDV đạt 1,96%, Vietcombank là 1,73% và thấp nhất trong số này là VietinBank với chỉ 0,86%.
Tỷ lệ nợ xấu tại một số NHTM |
Các ngân hàng TMCP cũng hầu hết đạt được tỷ lệ nợ xấu kì vọng. Tỷ lệ này ở ACB chỉ 1,13%, MB Bank chỉ 1,33%. Nợ xấu ở VIB và Sacombank cao hơn 1 chút là 2,07% và 2,36% trên tổng dư nợ. Cá biệt, tỷ lệ nợ xấu ở Eximbank đạt 3,35%, tăng mạnh 1,85% so với thời điểm đầu năm, trong đó, nợ có khả năng mất vốn đạt gần 1.080 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm.
Xét riêng về khối lượng, BIDV đang có khối lượng nợ xấu cao nhất trong số 9 ngân hàng trên với 13.200 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Vietcombank xếp sau với 7.760 tỷ đồng tăng 15,5% so với cuối năm ngoái. Đứng đầu trong quy mô tín dụng trong số 6 ngân hàng TMCP, Sacombank cũng “ôm” lượng nợ xấu lên đến hơn 4.500 tỷ đồng.
Điều này chứng tỏ rằng, quy mô tín dụng càng lớn thì khối lượng nợ xấu càng cao. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng đang giảm, nhưng khối lượng nợ xấu tăng.