|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 26/1: NĐT cá nhân bán ròng 1.030 tỷ đồng phiên VN-Index tăng gần 40 điểm

07:57 | 26/01/2022
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index lấy lại toàn bộ phần điểm đã mất trong phiên thứ Hai, NĐT cá nhân chuyển hướng bán ròng 1.030 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh 1.126 tỷ đồng.

Sau phiên giao dịch đầu tuần mang màu sắc tiêu cực, VN-Index tiếp tục mở cửa phiên giao dịch thứ Ba (25/1) trong tâm lý thận trọng. Gần như suốt phiên sáng, chỉ số chỉ giao dịch đi ngang và trong vùng giá đỏ.

Tuy nhiên phiên chiều ghi nhận cú lội ngược dòng bất ngờ với đà tăng đồng loạt của các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là các mã vốn hóa lớn. Chính nhóm này đã giúp VN-Index có phiên giao dịch khởi sắc, xóa bỏ hoàn toàn kết quả tiêu cực của phiên trước đó.

VN-Index đóng cửa tăng tới 40 điểm (2,8%) lên 1.479 điểm. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 22.183 tỷ đồng, trong khi thanh khoản toàn thị trường đạt 25.551 tỷ đồng, giảm 12,4% so với phiên liền trước.

Dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, bất động sản, xây dựng & vật liệu, trong khi giảm ở nhóm chứng khoán, thép, công nghệ thông tin. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 304 mã tăng/150 mã giảm.

Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 với 28/30 mã tăng điểm. Trong đó, PDR, HPG, MSN, TPB, VHM và VRE là những mã dẫn đầu với mức tăng từ 4,5 - 7%. Bên cạnh đó nhóm ngân hàng cũng đồng loạt tăng tốc và đóng góp tích cực cho thị trường.

Diễn biến khối ngoại đáng chú ý khi họ mua ròng gần 1.200 tỷ đồng và trải đều ở nhiều mã cổ phiếu, trong khi áp lực bán ra đến từ nhà đầu cá nhân và tổ chức trong nước.

Dòng tiền thông minh 26/1 - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tự doanh tập trung gom cổ phiếu chứng khoán & thép phiên hồi phục

Trong phiên giao dịch vừa qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều mua ròng nhẹ sau 3 phiên bán ròng liên tiếp. Cụ thể, họ gom ròng 25,2 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 49,5 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tự doanh mua ròng 7/18 ngành với hai nhóm được mua ròng mạnh nhất là dịch vụ tài chính (62,6 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (56,3 tỷ đồng). Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm E1VFVN30, HHV, HPG, FUEVFVND, VRE, PTB, TCB, MSN, MWG, HNG.

Bên phía bán ra, tự doanh chủ yếu bán ròng cổ phiếu ngành bất động sản (69,2 tỷ đồng) và ngân hàng (52,4 tỷ đồng). Top10 mã bị bán ròng gồm KBC, VCB, VPB, DXG, VNM, FUEVFVND, CTG, ACB, FPT, PLX.

Dòng tiền thông minh 26/1 - Ảnh 2.

Top10 mã khối tự doanh mua/bán ròng phiên 25/1. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức trong nước duy trì bán ròng gần 290 tỷ đồng

Giao dịch trái chiều tự doanh, NĐT tổ chức trong nước duy trì bán ròng với quy mô rút vốn tăng 27% so với phiên trước đó. Cụ thể, họ bán ròng 287,6 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 202,2 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 9/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm bất động sản (157,8 tỷ đồng). Top bán ròng có FLC, TCB, VHM, HPG, KBC, MBB, VNM, VIC, VCB, NLG.

Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp. Top mua ròng có APH, PTB, SZC, PHR, VND, FPT, PAN, VHC, PVD, GVR.

NĐT cá nhân chốt lời 1.030 tỷ đồng phiên VN-Index tăng 40 điểm

Trong phiên VN-Index lấy lại toàn bộ phần điểm đã mất trong phiên thứ Hai, NĐT cá nhân chuyển hướng bán ròng 1.030 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh 1.126 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng duy nhất ngành thực phẩm và đồ uống. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã VNM, VIC, FLC, TCB, MBB, NVL, VPB, ROS, ACB, NBB.

Phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 17/18 ngành còn lại với áp lực rút vốn chủ yếu là nhóm ngân hàng, bất động sản. Top bán ròng có CTG, VHM, STB, SSI, PTB, GEX, GAS, VND, NLG.

Dòng tiền thông minh 26/1 - Ảnh 3.

Top10 mã NĐT cá nhân mua/bán ròng phiên 25/1. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

NĐT nước ngoài mua ròng gần 1.300 tỷ đồng

Về phía NĐT nước ngoài, họ đảo chiều mua ròng 1.293 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 1.279 tỷ đồng.

Mua ròng khớp lệnh chính của NĐT ngoại là nhóm bất động sản, ngân hàng. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VHM, CTG, KBC, STB, NLG, SSI, GAS, GEX, VCB, MSN.

Điểm đáng chú ý là khối ngoại mua ròng tập trung vào cuối phiên, đặc biệt là phiên ATC. Theo FiinTrade, hành động mua bán cuối phiên thường liên quan đến ETFs.

Tại phía bên bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại chủ yếu rút vốn khỏi nhóm thực phẩm & đồ uống. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã VNM, E1VFVN30, VIC, NVL, CTD, KDH, MBB, FRT, SZC.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Thảo

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.