|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 25/6: NĐT cá nhân đảo chiều bán ròng nhẹ, rút vốn khỏi ngành BĐS và chuyển sang nhóm ngân hàng

08:00 | 25/06/2021
Chia sẻ
Trong phiên tăng điểm, NĐT cá nhân đảo chiều bán ròng nhẹ, tập trung xả cổ phiếu bất động sản nhưng rót vốn cho ngân hàng. Động thái của nhóm này ngược với xu hướng dòng tiền lớn trên thị trường.

Xu hướng dòng tiền tiếp tục chảy về nhóm bất động sản

Kết thúc phiên 24/6, VN-Index tăng 0,21% đóng cửa ở mức 1.379,72 điểm. Độ rộng thị trường cải thiện so với phiên trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng- giảm là 112-274. Giá trị giao dịch trên HOSE đạt 18.250 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 21.703 tỷ đồng, giảm 15,8% so với phiên liền trước.

Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tiếp tục có sự dịch chuyển từ ngân hàng sang bất động sản. Đây là xu hướng đã kéo dài hai tuần qua.

Cụ thể, tỷ trọng phân bổ dòng tiền vào nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục tăng 2,6% so với trung bình 1 tháng trước trong bối cảnh thanh khoản thị trường chung giảm. chỉ số giá ngành tăng 0,73% trong ngày hôm nay.

Nhóm cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất ngày hôm qua có VHM, KBC, IJC, NVL, FLC, PDR, DXG, VIC. Như vậy dòng tiền vào các mã của doanh nghiệp phát triển bất động sản khu công nghiệp và bất động sản dân cư.

Theo thống kê của FiinTrade, nhóm cổ phiếu bất động sản tăng 27% từ đầu năm đến nay, cao hơn VN-Index ở mức 23,6% nhưng định giá chung của ngành này vẫn khá hấp dẫn. Hệ số định giá P/E của ngành năm 2021 được dự báo ở mức 20,4x, thấp hơn so với mức trung bình 3 năm (24,8x) và mức định giá hiện tại (22,76).

Khối tự doanh trở lại mua ròng, rót tiền cho NKG và SGT

Thống kê giao dịch trong phiên, khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 68 tỷ đồng, trong đó mua ròng 41 tỷ đồng qua khớp lệnh.

Top mua ròng của tự doanh phiên ngày hôm qua có NKG (26 tỷ đồng), SGT (21 tỷ đồng), VHM (12,4 tỷ đồng), BID (11,4 tỷ đồng), theo sau còn có FPT, PLX, PNJ, TCB, MBB, HDC, DBC, NVL ghi nhận giá trị dưới 10 tỷ đồng.

Ngược lại, khối này bán ròng FUEVFVND (27,3 tỷ đồng), OCB (6,2 tỷ đồng), KDH (5,7 tỷ đồng), VRE, KBC, VCB, FUESSVFL, ELC, VPB.

Tổ chức trong nước tiếp tục xả 172 tỷ đồng, chủ yếu TCB và CTG

NĐT tổ chức trong nước bán ròng 172 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ mua ròng 66 tỷ đồng. Hoạt động mua bán ròng của nhà đầu tư tổ chức trong nước khá nhỏ, rải rác các ngành.

Cụ thể hơn, top mua ròng của nhóm này có GMD, ACB, HPG, DBD, E1VFVN30, NLG, STB, FPT, FLC, GVR. Ngược lại, top các mã bị bán ròng có TCB, CTG, IJC, SCR, DXG, VHM, PVD, GEX, PHR.

NĐT cá nhân đảo chiều bán ròng nhẹ gần 80 tỷ sau chuỗi phiên mua ròng

NĐT cá nhân đảo chiều bán ròng 79 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh là 135 tỷ đồng.

NĐT cá nhân mua ròng 6/18 ngành, tập trung ngân hàng. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung vào CTG, VPB, MBB, VIC, HSG, TCB, GEX, VNM, IJC, NsKG.

Trong khi đó, họ bán ròng 12/18, chủ yếu là ngành bất động sản. Chiều bán ròng có các mã nổi bật như VHM, VCB, GAS, DXG, GMD, MSN, SGT, NLG, ACB, STB.

Lực mua/bán ròng của nhà đầu tư cá nhân là đối ứng với NĐT nước ngoài.

Khối ngoại tiếp tục rót 176 tỷ đồng vào thị trường, cổ phiếu bất động sản hút vốn

NĐT nước ngoài mua ròng 176 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 28 tỷ đồng.

Lực mua ròng khớp lệnh của nước ngoài tập trung vào ngành bất động sản. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã VHM, VCB, DXG, GAS, FUEVFVND, MSN, VRE, HDB, AAA, NLG.

Phía bán ròng khớp lệnh, họ bán chính nhóm ngân hàng. Top bán ròng theo thứ tự các mã sau MBB, VPB, CTG, VIC, HSG, HPG, VNM, SSI, GEX, BVH.

Như vậy trong nhóm Vingroup, NĐT nước ngoài mua ròng hai mã VHM và VRE, bán ròng mã VIC. Tính từ đầu năm, nước ngoài mua ròng cả ba mã cổ phiếu họ Vingroup bất chấp xu hướng bán ròng chung toàn thị trường.

Ngày hôm qua là đại hội cổ đông của Vingroup, doanh nghiệp này thông qua mục tiêu thu doanh thu 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng, chia cổ tức 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,5%.

Thu Thảo