Dòng tiền thông minh 18/10: Tự doanh trở lại mua ròng hơn 350 tỷ đồng, tập trung gom cổ phiếu ngân hàng
Thị trường trong nước khép lại một tuần tăng điểm nhưng vẫn chưa dứt điểm được ngưỡng cản tâm lý 1.400 điểm. Thanh khoản tuần này cũng tích cực hơn so với tuần trước tuy nhiên dòng tiền sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cả hai nhóm này đều duy trì được đà tăng và đang ở mức cao lịch sử (theo giá đóng cửa).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/10, VN-Index tăng 0,06% đóng cửa ở mức 1.392,7 điểm. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE phiên này tương đương với phiên hôm qua, đạt 20.512 tỷ đồng. Tính chung cả tuần, thanh khoản khớp lệnh tăng gần 10% so với tuần trước đó.
Thị trường loay hoay vượt ngưỡng tâm lý 1.400 điểm trong phần lớn thời gian của tuần này. Thanh khoản thị trường tuy có tăng so với tuần trước nhưng hoạt động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi đó nhóm VN30 vẫn chưa bứt phá thành công đỉnh tháng 8 đã gây lực cản cho thị trường chung.
Dòng tiên vẫn tiếp tục xoay vòng với tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào vào nhóm tài nguyên cơ bản, ngân hàng, thực phẩm & đồ uống, trong khi giảm ở nhóm chứng khoán, bất động sản và hàng & dịch vụ công nghiệp. Theo quan sát, dòng tiền quay lại nhóm cổ phiếu vốn vừa và nhỏ, với tỷ trọng giá trị giao dịch VNMid cao hơn VN30 lần thứ ba trong năm.
Tự doanh trở lại mua ròng hơn 350 tỷ đồng
Trong phiên thứ Sáu cuối tuần, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 353,8 tỷ đồng tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 308,9 tỷ đồng. Như vậy, tự doanh đã quay lại vị thế mua ròng sau phiên bán ròng nhẹ trước đó.
Trong đó, khối tự doanh giải ngân vào 13/18 ngành với nhóm được mua ròng mạnh nhất là ngân hàng, điện, nước & xăng dầu khí đốt. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh phiên ngày hôm qua gồm VPB, TCB, STB, FPT, MWG, GAS, HPG, NHH, MSN, ACB.
Bên phía bán ra, tự doanh chủ yếu bán ròng cổ phiếu của các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống. Top cổ phiếu được bán ròng gồm FUEVFVND, VNM, SBT, HSG, E1VFVN30, HDG, DPM, SHB, DXS, VCI.
Tổ chức nội tiếp đà bán ròng hơn 260 tỷ đồng
Giao dịch trái chiều tự doanh, NĐT tổ chức trong nước bán ròng 262,3 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 36,4 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức nội bán ròng 8/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm bất động sản. Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất có FLC, DPM, VSC, BID, NBB, MSN, HAH, TCB, STB, KBC.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các nhà băng. Top mua ròng có SSB, TPB, BVH, KSB, HPG, SZC, MWG, NTL, DIG, REE.
NĐT cá nhân quay đầu rút vốn, tập trung xả nhóm ngân hàng
Trước diễn biến lình xình của VN-Index, NĐT cá nhân quay đầu bán ròng 176,5 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh là 357,4 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 9/18 ngành, chủ yếu gom cổ phiếu thực phẩm và đồ uống. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung gồm KBC, PAN, FLC, SHB, SBT, MSN, VSC, SSI, DPM, DGC.
Phía bán ròng khớp lệnh, họ rút vốn khỏi 9/18 ngành với áp lực bán tập trung tại cổ phiếu ngân hàng, tài nguyên Cơ bản. Top bán ròng có SSB, HSG, VPB, VHM, DIG, STB, VNM, TCB, HPG.
Khối ngoại chuyển vị thế mua ròng
Về phía NĐT ngước ngoài, họ mua ròng 38,3 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 84,9 tỷ đồng. Như vậy, khối này tạm ngắt vị thế bán ròng đã duy trì trong 7 phiên trước đó.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm tài nguyên cơ bản, ngân hàng. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: HSG, VHM, VNM, DIG, DPM, CTG, VHC, STB, GEX, VCB.
Tại phía bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại xả mạnh nhất cổ phiếu nhóm thực phẩm và đồ uống. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: PAN, KBC, SHB, MSN, SBT, DGC, NVL, PDR, MBB.