|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 14/4: NĐT tổ chức cùng khối ngoại rót trăm tỷ vào thị trường phiên điều chỉnh, duy nhất NĐT cá nhân bán ròng

06:55 | 14/04/2021
Chia sẻ
Trong phiên vừa qua, NĐT cá nhân là bên bán ròng duy nhất (510 tỷ đồng) khi thị trường điều chỉnh. Ngược lại, khối tự doanh, NĐT tổ chức trong nước cùng khối ngoại đồng loạt gom trăm tỷ đồng, tâm điểm giao dịch cổ phiếu ngân hàng.

NĐT cá nhân đảo chiều bán ròng 510 tỷ đồng phiên điều chỉnh

Trong phiên giao dịch thứ Ba, VN-Index điều chỉnh 0,33%, đóng cửa ở mức 1.248,33 điểm. Giá trị giao dịch đạt 28.845 tỷ đồng, tăng 12,3% so với phiên liền trước. Đây là phiên giao dịch có thanh khoản cao nhất từ trước đến nay tính riêng khớp lệnh, và là phiên thứ hai liên tiếp lập kỷ lục mới.

Độ rộng thị trường thu hẹp mạnh so với phiên liền trước với tỷ lệ cổ phiếu tăng/giảm là 113/312.

Trong các bên tham gia thị trường, nhà đầu tư (NĐT) cá nhân chuyển bán ròng 510 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh là 476 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này bán ròng 12/18 ngành, tập trung cổ phiếu ngân hàng (STB, VPB, TCB, VCB, CTG, ACB, HDB), bất động sản (VIC, NVL), xây dựng và vật liệu (ROS). Như vậy cả ngành ngân hàng và Bất động sản là ngành đã được chuyển từ mua ròng những phiên trước sang bán ròng ngày hôm qua.

Ngược lại, họ mua ròng 6/18 ngành gồm tài nguyên cơ bản (HPG), điện nước - xăng dầu khí đốt (GAS, POW).

Khối tự doanh tiếp tục rót hơn 170 tỷ đồng vào thị trường

Thống kê phiên giao dịch vừa qua, khối tự doanh tiếp tục mua ròng 171 tỷ đồng với khối lượng 6,5 triệu đơn vị.

Dòng tiền thông minh 14/4: NĐT tổ chức cùng khối ngoại rót trăm tỷ vào thị trường phiên điều chỉnh, duy nhất NĐT cá nhân bán ròng - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Đáng chú ý, trong top10 cổ phiếu thu hút dòng vốn tự doanh phiên vừa qua có đến 7 mã thuộc nhóm ngân hàng. Dẫn đầu chiều mua ròng là cổ phiếu CTG với giá trị 130 tỷ đồng, theo sau bởi STB (67 tỷ đồng), TCB (47 tỷ đồng), VPB (43 tỷ đồng). Mặt khác, dòng vốn tự doanh mua ròng cổ phiếu MBB (34 tỷ đồng), VCB (24 tỷ đồng),…

Ba cổ phiếu ngoài nhóm ngân hàng được khối tự doanh mua ròng gồm HPG (22 tỷ đồng), TCH (12 tỷ đồng) và KDH (8,5 tỷ đồng).

Diễn biến trái chiều, khối tự doanh bán ròng cổ phiếu VIC gần 130 tỷ đồng, ngoài ra có GVR (36 tỷ đồng) và VRE (25 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dòng vốn tự doanh rút khỏi cổ phiếu MSN, SSI, HNG, FPR….

Cùng chiều, NĐT tổ chức trong nước và khối ngoại mua ròng gần 400 tỷ đồng

NĐT tổ chức trong nước chuyển mua ròng 215 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh giá trị mua ròng đạt 205 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm này mua ròng 10/18 nhóm ngành tập trung vào ngân hàng (VCB, VPB, ACB, CTG, MBB, TCB, STB), xây dựng và vật liệu (ROS). Trái lại, phía bán ròng ghi nhận 7/18 ngành gồm thực phẩm đồ uống (MSN, VNM, SBT), tài nguyên cơ bản (HPG).

Cùng với đó, NĐT nước ngoài cũng mua ròng 181 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng 99 tỷ đồng.

Top mua ròng của nước ngoài là gồm các mã VIC, MSN, VND, NVL, VHM, SSI. Như vậy cổ phiếu của Vingroup liên tiếp được khối ngoại mua ròng trong những phiên gần đây.

Cổ phiếu VIC tăng trần gần hết thời gian giao dịch sau khi Bloomberg đưa tin về khả năng IPO Vinfast tại Mỹ vào quý II/2021. Giá trị giao dịch khớp lệnh của VIC phiên ngày hôm qua lên đến 711 tỷ đồng, chỉ sau hai phiên lịch sử ngày 26/4/2018 với 803 tỷ đồng và 24/4/2018 với 1.096 tỷ đồng.

Tại phía bán ròng, NĐT nước ngoài bán mạnh nhất các mã CTG, MBB, HPG, GAS, BID, VRE, VCB. Như vậy có tới 4 mã ngân hàng trong danh sách top các mã được bán ròng, tất cả đều giảm điểm trừ VRE giữ giá tham chiếu.

Giá trị giao dịch thỏa thuận hơn 3.000 tỷ đồng, gần gấp đôi phiên trước đó

Trong phiên vừa qua, hoạt động thỏa thuận diễn ra sôi động với tổng giá trị lên tới 3.048 tỷ đồng, gần gấp đôi giá trị thỏa thuận phiên liền trước.

Top giao dịch đáng chú ý gồm NĐT cá nhân mua nội khối MSN (650 tỷ đồng), VIC (200 tỷ đồng), VHM (153 tỷ đồng), TCB (120 tỷ đồng), PDR (104 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, NĐT nước ngoài mua nội khối VPB (182 tỷ đồng), FPT (120 tỷ đồng); nhóm này còn mua VIC (282 tỷ đồng) từ NĐT NN khác (150 tỷ đồng) và tự doanh (104 tỷ đồng), bán CTG (110 tỷ đồng) cho tự doanh.

Ngoài ra, các tổ chức trong nước giao dịch nội khối cổ phiếu GEX (91 tỷ đồng).

Thu Thảo