Dòng tiền thông minh (13/9): Tự doanh cùng khối ngoại 'xả' trăm tỉ phiên khởi sắc, vợ ông Đặng Văn Thành muốn trở thành cổ đông lớn Thành Thành Công – Biên Hòa
Dòng tiền thông minh tìm đến nhóm công nghiệp phiên VN-Index tăng gần 7 điểm
Thị trường có phiên giao dịch tích cực đồng pha với các chỉ số chính trong khu vực. Mở cửa phiên sáng, VN-Index nhanh chóng lấy lại được sắc xanh khi lực mua tăng mạnh tại các bluechips như VCB, GAS, VJC, VIC.
Chỉ số duy trì được đà tăng và thành công chinh phục ngưỡng 975 điểm trong phiên chiều. Kết phiên, VN-Index tăng 6,76 điểm (0,7%) lên 976,07 điểm; HNX-Index tăng 0,94% đạt 101,11 điểm; UPCoM-Index tăng 1,04% lên 56,4 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước, cụ thể, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 178 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 3.864 tỉ đồng. Dòng tiền xoay quanh cổ phiếu công nghiệp với giá trị giao dịch 1.013 tỉ đồng.
Khối tự doanh tiếp tục 'xả' hơn 67 tỉ đồng, tâm điểm giao dịch FPT
Trong phiên hôm qua, bộ phận tự doanh công ty tu chứng khoán bán ròng 67,3 tỉ đồng với khối lượng 2,5 triệu đơn vị.
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp
Ở chiều bán ra, dẫn đầu là cổ phiếu FPT với giá trị 22,93 tỉ đồng. Tuy nhiên, mã nàu đồng thời bị khối tự doanh bán ra 9,73 tỉ đồng. Phiên 12/9, mã FPT ghi nhận sự bứt phá mạnh nhất nhóm VN30, bật tăng 4,4% đóng cửa tại 56.500 đồng/cp.
Ngoài FPT, duy nhất cổ phiếu MBB ghi nhận giá trị bán ra trên 10 tỉ đồng, cụ thể là 18,44 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khối tự doanh bán mạnh VNM (7,54 tỉ đồng), VIC (6,23 tỉ đồng), TCB (6,06 tỉ đồng). Lọt top bán ra còn có HPG, VJC, VPB và MSN.
Riêng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 bị khối này bán ra 4,99 tỉ đồng phiên hôm qua.
Diễn biến trái chiều, khối tự doanh mua nhiều nhất mã MWG (18,83 tỉ đồng). Cổ phiếu MBB theo sau với giá trị bán 8,22 tỉ đồng, REE (4,85 tỉ đồng), VGC (3,33 tỉ đồng) và DXG (3,07 tỉ đồng). Cùng với đó, cổ phiếu MSN, VPB, DHC và PVT đều ghi nhận giá trị mua vào cao.
Khối ngoại gia tăng bán ròng hơn 57 tỉ đồng phiên khởi sắc
Thống kê giao dịch NĐT nước ngoài, khối ngoại bán ròng hơn 57 tỉ đồng toàn thị trường, chủ yếu giao dịch trên sàn HOSE và HNX.
Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 52 tỉ đồng với khối lượng 1,23 triệu đơn vị. Cổ phiếu chịu áp lực 'xả' mạnh nhất là VNM (42,72 tỉ đồng), theo sau đó là MSN (14,96 tỉ đồng) và VCB (14,89 tỉ đồng). Ngoài ra, khối ngoại bán ròng trên 10 tỉ đồng VHM (11,48 tỉ đồng), VRE (10,09 tỉ đồng) và TNA (10 tỉ đồng).
Ngược lại, dòng tiền ngoại chủ yếu tìm đến HPG với giá trị mua ròng dẫn đầu (59,73 tỉ đồng). Theo sau là VJC được mua ròng (12,48 tỉ đồng), BID (9,12 tỉ đồng), PC1 (6,69 tỉ đồng), KDB (4,72 tỉ đồng).
Trên HNX, NĐT nước ngoài bán ròng 3,1 tỉ đồng và khối lượng 346.051 đơn vị. Dẫn đầu chiều bán ròng là SHS (2,1 tỉ đồng), kế đến là DTD (1,3 tỉ đồng). Mặt khác, khối ngoại bán ròng DGC, PVG. Trong khi đó, cổ phiếu ghi nhận giá trị mua ròng như SHB, PVI, EID.
Giao dịch tại UPCoM, khối ngoại đảo chiều bán ròng nhẹ 2 tỉ đồng với khối lượng 143.706 đơn vị. Cổ phiếu C21 ghi nhận giá trị bán ròng cao nhất là 4,5 tỉ đồng. NĐT nước ngoài thoái ròng MCH (2,6 tỉ đồng), ACV (1,2 tỉ đồng).
Tại chiều mua ròng, khối ngoại mua ròng mã nổi bật như VTP và QNS cùng giá trị 2,5 tỉ đồng, VEA (1,2 tỉ đồng).
Đăng ký mua 35 triệu cổ phiếu SBT, bà Huỳnh Bích Ngọc muốn trở thành cổ đông lớn của Thành Thành Công – Biên Hòa
Thống kê thông báo giao dịch trên hai sàn, lãnh đạo và cá nhân (tổ chức) liên quan đăng ký mua vào cổ phiếu SBT và FMC trong khi muốn bán ra NVT.
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp
Thông tin giao dịch nổi bật, bà Huỳnh Bích Ngọc, thành viên HĐQT CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa vừa đăng ký mua 35 triệu cổ phiếu SBT để đầu tư cá nhân. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 17/9 đến 16/10 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Hiện, bà Ngọc nắm giữ gần 15,6 triệu cổ phần công ty, tương ứng 2,65% vốn điều lệ. Nếu lần mua vào này thành công, tỉ lệ sở hữu của bà Ngọc tại Thành Thành Công – Biên Hòa sẽ tăng lên 8,616% vốn cổ phần và trở thành cổ đông lớn.
Được biết, con gái bà Ngọc là bà Đặng Huỳnh Ức My, thành viên HĐQT công ty cũng là cổ đông lớn của Thành Thành Công – Biên Hòa, sở hữu 68,4 triệu cổ phiếu SBT, tương đương 11,657% vốn điều lệ.