|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 12/5: NĐT cá nhân đảo chiều mua ròng hơn 300 tỷ đồng trong phiên VN-Index vượt 1.300 điểm, tâm điểm DIG, STB

07:50 | 12/05/2022
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index củng cố tín hiệu hồi phục, NĐT cá nhân trở lại mua ròng 311 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh là 374 tỷ đồng.

Sau phiên bật tăng mạnh mẽ từ vùng hỗ trợ quan trọng quanh 1.230 điểm, tâm lý của các nhà đầu tư cũng dần được giải tỏa và trở nên bớt bi quan hơn về thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù gặp phải chút áp lực chốt lời trong phiên giao dịch buổi sáng, lực cầu đã nhanh chóng lấy lại phong độ, giúp thị trường quay trở về với sắc xanh và duy trì tới hết phiên.

VN-Index đóng cửa tại 1.301,53 điểm với mức tăng 7,97 điểm (+0,62%). Thanh khoản hôm nay giảm về mức thấp kỷ lục kể từ năm 2020 với 380,9 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HOSE. Tương tự như VN-Index, VN30-Index cũng có diễn biến hồi phục trên nền thanh khoản thấp.

Số lượng cổ phiếu đóng cửa giảm giá và tăng giá không có nhiều chêch lệch với 16 cổ phiếu đóng cửa xanh và 14 cổ phiếu đóng cửa đỏ. Dẫn đầu nhóm về mức độ tăng giá là CTG (+6%), theo sau là PNJ (+3,9%), FPT (+3,6%), VRE (+2,8%), ACB (+2,6%)… Diễn biến theo chiều ngược lại của chỉ số là MSN giảm 3,6%, PLX (-2,8%), BVH (-2,5%), VJC (-2%), PDR (-1,9%)…

Mặc dù chỉ số thị trường chung tiếp tục hồi phục, tuy nhiên diễn biến giao dịch giữa các nhóm ngành có sự phân hóa rõ rệt. Nổi bật là nhóm bất động sản và ngân hàng khi hai nhóm này đã có nhiều nỗ lực nâng đỡ thị trường. Bên cạnh đó, nhóm công nghệ thông tin, xây dựng, sản xuất phụ trợ cũng có mức tăng điểm tích cực. Ngược lại, ngành thực phẩm đồ uống, thủy sản, bảo hiểm lại có diễn biến tiêu cực hơn.

 

Tổ chức trong nước chuyển hướng chốt lời sau hai phiên gom mua

Trong phiên giao dịch vừa qua, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh công ty chứng khoán) chuyển hướng bán ròng 216 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ bán ròng 236 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, tổ chức nội bán ròng 10/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm bất động sản. Top bán ròng có DIG, STB, SSI, FUEVFVND, VIC, VNM, KDH, VHM, CTG, TCB.

Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu ngành công nghệ thông tin. Danh mục Top10 mua ròng của khối này gồm HPG, FPT, PNJ, VRE, ACB, MBB, E1VFVN30, VPB, VCB, MWG.

 Top5 mã tổ chức trong nước mua/bán ròng phiên 11/5. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp). 

NĐT cá nhân đảo chiều mua ròng hơn 300 tỷ đồng trong phiên hồi phục thứ hai liên tiếp

Trong phiên VN-Index củng cố tín hiệu hồi phục, NĐT cá nhân trở lại mua ròng 311 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh là 374 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 12/18 ngành, chủ yếu là ngành bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại cổ phiếu DIG, STB, VNM, DXG, MSN, SSI, E1VFVN30, NVL, PLX, DGW.

Bên phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 6/18 ngành còn lại với áp lực bán tập trung tại cổ phiếu ngành hóa chất, công nghệ thông tin. Top bán ròng có DPM, FPT, DGC, HPG, PNJ, CTG, ACB, MBB, NLG.

 Top10 mã NĐT cá nhân mua/bán ròng phiên 11/5. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Khối ngoại chuyển vị thế bán ròng nhẹ

Về phía NĐT nước ngoài, hoạt động bán ròng tạm ngắt mạch mua ròng của hai phiên trước. Cụ thể, họ bán ròng 95 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 138 tỷ đồng.

Mua ròng khớp lệnh chính của khối ngoại là nhóm hóa chất, ngân hàng. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã DPM, CTG, DGC, FUEVFVND, NLG, STB, VIC, BCM, DCM, GEX.

Tại phía bên bán ròng khớp lệnh, NĐT nước ngoài xả mạnh nhất cổ phiếu nhóm thực phẩm & đồ uống. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VNM, E1VFVN30, DXG, MSN, PLX, PET, DGW, FCN, LHG.

Thu Thảo

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.