|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền ngoại vẫn miệt mài rút khỏi TTCK Việt Nam, bán ròng gần 7.000 tỷ đồng trong quý I

21:24 | 05/04/2022
Chia sẻ
Trong 3 tháng đầu năm 2022, khối ngoại xả ròng 6.986 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó riêng tháng 3 nhóm này bán ròng 3.568 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là các nhà đầu tư tài chính toàn cầu có xu hướng bán bớt các tài sản rủi ro để chuyển hướng sang các tài sản được coi là an toàn hơn như vàng hoặc đồng USD trước xung đột Nga - Ukraine.

Dòng tiền ngoại vẫn chưa quay trở lại TTCK Việt Nam

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 liên tục thăng hoa, thiết lập hàng loạt những kỷ lục mới nhưng có một “nốt trầm” duy nhất là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 62.300 tỷ đồng trên cả 3 sàn. 

Trong đó, trạng thái bán ròng được duy trì trong gần suốt cả năm khi chỉ có tháng 4 và tháng 7, khối này mua ròng nhẹ, còn lại các tháng khác, giá trị bán ròng đều đạt vài nghìn tỷ đồng. Tính riêng trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị hơn 57.830 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với năm trước đó. 

 (Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Mặc dù hiện nay dòng tiền NĐT nước ngoài không còn tác động lớn lên thị trường chung khi đã có lực cầu đối ứng từ nhà đầu tư trong nước, nhưng vẫn là một yếu tố không thể bỏ qua.

Với kỳ vọng thị trường tiếp tục tăng trưởng và triển vọng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, ngay từ đầu năm 2022, nhiều công ty chứng khoán và chuyên gia đưa ra dự báo dòng tiền ngoại sẽ quay trở lại.

Nhưng thực tế cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay,nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng 6.986 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó riêng tháng 3 đã xả 3.568 tỷ đồng. 

Theo đánh giá của VNDirect, Việt Nam có thể sẽ phải chứng kiến sự thoái lui của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong ngắn hạn bởi các nhà đầu tư tài chính toàn cầu có xu hướng bán bớt các tài sản rủi ro để chuyển hướng sang các tài sản được coi là an toàn hơn như vàng hoặc đồng USD do xung đột Nga - Ukraine.

Trong ngắn hạn, kỳ vọng lợi tức đồng USD tăng lên do lộ trình tăng lãi suất điều hành của FED cũng khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên để quay trở lại Mỹ.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư có xu hướng tranh giành các tài sản được coi là an toàn hơn, chẳng hạn như vàng, trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD. Đặc biệt, với vị thế là đồng tiền dự trữ của thế giới, đồng USD thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn mỗi khi rủi ro toàn cầu gia tăng.

Bán ròng loạt bluechip nhưng gom ngân hàng và bất động sản

Nổi bật ở chiều bán là giao dịch bán ròng gần 5.073 tỷ đồng cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan trong quý I. Phần lớn khối lượng trên được "trao tay" trong phiên 19/1 khi sàn HOSE ghi nhận giao dịch thỏa thuận hơn 33 triệu đơn vị, tương đương giá trị 4.900 tỷ đồng. 

 (Ảnh: Bảo Ngọc).

Bên cạnh đó, dòng tiền NĐT nước ngoài trên nghìn tỷ cũng miệt mài rút khỏi hàng loạt bluechip như VIC (3.667 tỷ đồng), HPG (3.411,5 tỷ đồng) và NVL (2.107 tỷ đồng). Điểm chung của các mã này là dù đóng vai trò là trụ đỡ của thị trường nhưng lại giao dịch không mấy tích cực từ đầu năm đến nay.

Điển hình như cổ phiếu VIC đã giảm hơn 20% từ vùng 105.000 đồng hồi đầu năm xuống thị giá 82.300 đồng/cp hiện tại. Có thời điểm mã này đã từng chạm mốc 77.000 đồng/cp, mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Đà rơi của mã này một phần liên quan đến kết quả kinh doanh thua lỗ của Tập đoàn Vingroup.

Tại báo cáo tài chính quý IV/2021, tập đoàn báo lỗ trước thuế là 6.369 tỷ đồng, lỗ sau thuế trong kỳ là 9.249 tỷ đồng. Lũy kế năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 3.346 tỷ đồng, lỗ sau thuế là 7.523 tỷ đồng, đánh dấu năm lỗ đầu tiên trong lịch sử của doanh nghiệp này.

Một số cái tên quen thuộc cũng chịu áp lực xả như VNM (747 tỷ đồng), CII (741 tỷ đồng), HDB (673 tỷ đồng), VCI (401 tỷ đồng) và PDR (355 tỷ đồng). E1VFVN30 là chứng chỉ quỹ duy nhất lọt vào danh mục bán ròng của khối ngoại với giá trị 698 tỷ đồng. 

Về cổ phiếu VNM, mã này cũng liên tục làm nản lòng cổ đông khi miệt mài dò đáy và có thời điểm đã rơi xuống dưới 74.000 đồng/cp, rời khỏi top 10 vốn hoá trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên,sau thời gian dài "lạnh nhạt", NĐT nước ngoài bất ngờ thay đổi thái độ với VNM khi mua ròng trong suốt tuần cuối tháng 3, phát đi tín hiệu lạc quan có thể đưa "ông lớn" ngành sữa lấy lại vị thế trên sàn chứng khoán. 

Tương tự, CII cũng tạo "mô hình cây thông" khi ăn theo sóng đầu cơ và trải qua chuỗi tăng trần giảm sàn, hiện giao dịch tại 31.550 đồng/cp, giảm gần một nửa so với đỉnh. Động thái chốt lời tại mã này chủ yếu đến từ quỹVIAC (No.1) Limited Partnership từ Singapore. 

 (Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Chiều ngược lại, cổ phiếu DGC của Hoá chất Đức Giang được mua vào mạnh nhất, đạt giá trị 2.069 tỷ đồng. Trong thông báo mới nhất, nhóm quỹ thành viên thuộc Dragon Capital đã mua vào 809.900 cổ phiếu DGC, qua đó tỷ lệ sở hữu của cả nhóm nâng từ 4,96% lên 5,44% và chính thức trở thành cổ đông lớn từ ngày 5/4.

Cổ phiếu DGC có nhịp tăng mạnh từ giữa tháng 1 và thiết lập đỉnh 234.900 đồng/cp vào ngày 28/3, tương đương mức tăng gần 82% sau hơn 2 tháng. 

Một cổ phiếu nhà băng thuộc khẩu vị ưa thích của khối ngoại cũng được gom mua 2.040 tỷ đồng trong 3 tháng qua. Dòng tiền cũng giải ngân thêm vào hai mã cùng ngành khác là VPB (765 tỷ đồng) và MBB (492 tỷ đồng). 

Nhiều cổ phiếu bất động sản lọt top mua ròng của nhóm này, có thể kể đến VHM (986 tỷ đồng), KBC (877 tỷ đồng) và DXG (507 tỷ đồng). 

PVS dẫn đầu chiều mua ròng trong suốt quý I

Dòng tiền ngoại còn duy trì lực cung/cầu khá cân bằng trên sàn HNX khi chỉ mua ròng khoảng 90 tỷ đồng trong quý I. 

Cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam vẫn là mã được mua ròng mạnh nhất với 127 tỷ đồng. Theo quan sát, mã này liên tục đứng đầu danh mục trong nhiều tuần giao dịch, đặc biệt là khoảng thời gian hồi cuối tháng 2 khi tăng mạnh nhờ giá dầu neo cao. 

Một cổ phiếu cùng họ là PVI cũng được gom với gần 104 tỷ đồng. Theo sau là các mã IDC (93 tỷ đồng), CEO (72 tỷ đồng) và HUT (68 tỷ đồng).

  (Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp). 

Ở chiều bán, cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận giao dịch kém sắc nhất với 228 tỷ đồng bán ròng.

Khối này tập trung chốt lời cổ phiếu TNG trong tuần giao dịch cuối tháng 2 trước đà tăng mạnh. Tính từ thời điểm mã này bắt đầu đà tăng hồi cuối tháng 1, mã này đã tăng hơn 30% và đang neo tại mức giá 38.200 đồng/cp.

Theo sau, dòng tiền ngoại chỉ rút khỏi một số mã với quy mô không quá 50 tỷ đồng, có thể kể đến NTP (47 tỷ đồng), THD (38 tỷ đồng), VCS (37 tỷ đồng) và NVB (30 tỷ đồng).

Bất ngờ xả mạnh SGB trên UPCoM

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng trong suốt quý với quy mô đáng kể hơn 540 tỷ đồng. 

Nổi bật ở chiều mua là giao dịch gom 341 tỷ đồng cổ phiếu QNS của Đường Quãng Ngãi.Danh mục cổ phiếu thu hút vốn ngoại theo sau còn có BSR (91,5 tỷ đồng), QTP (77 tỷ đồng), CLX (64 tỷ đồng) và VEA (62 tỷ đồng). 

Trong khi đó, PGB là tâm điểm tại chiều bán với quy mô bán ròng tới 309 tỷ đồng. Đây là giao dịch của khối ngoại trong tuần cuối tháng 1 vớ hơn 15,2 triệu cổ phiếu SGB được sang tay. 

Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại cũng bán nhẹ các mã khác như ABC (39,5 tỷ đồng), FOX (30 tỷ đồng), IDP (24 tỷ đồng) và HPP (10 tỷ đồng).

  (Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp). 

Bảo Ngọc

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.