|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền len lỏi tìm hướng đầu tư

07:37 | 07/08/2019
Chia sẻ
Đồng nhịp với các thị trường chứng khoán quốc tế, chỉ số VN-Index “bốc hơi” gần 18 điểm trong phiên 5/8/2019. Dòng tiền vẫn len lỏi tìm hướng đầu tư, trong bối cảnh thị trường biến động với biên độ rộng.

Dòng tiền không thiếu nhưng “bí” chỗ đầu tư

Các thị trường chứng khoán quốc tế đồng loạt giảm sâu, USD tăng giá và dòng vốn ngoại có dấu hiệu đảo chiều, những diễn biến này đang tạo áp lực khá lớn lên tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Trên một số diễn đàn, chat room về chứng khoán, nhiều nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng khi cho rằng, không loại trừ khả năng thị trường rung lắc mạnh khi các thông tin hỗ trợ (mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên) đã qua đi. Một số cổ phiếu đã tạm hết động lực để kỳ vọng tăng giá và sức ép bán từ các cổ phiếu dạng này gây áp lực khiến thị trường điều chỉnh.

Dòng tiền trên thị trường, theo nhận định của nhiều nhà đầu tư, hiện tại không thiếu, nếu không muốn nói dư giả, nhưng đang “bí” chỗ để đầu tư, bởi không nhìn thấy cơ hội một cách rõ ràng.

Với kinh nghiệm của một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, ông Nguyễn Tiến Trung (Hà Nội) cho rằng, ở thời điểm xu hướng thị trường khó phán đoán như hiện tại, nhà đầu tư cần duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình để hạn chế rủi ro và có sẵn dòng tiền để chủ động khi thời cơ đến.

“Nhà đầu tư không nên quá phụ thuộc vào điểm số của thị trường, mà nên dành thời gian quan tâm nhiều hơn tới giá trị nội tại của doanh nghiệp, tập trung vào các cơ hội mà mình thật sự có niềm tin cũng như hiểu rõ doanh nghiệp. Điều này sẽ mang lại kết quả tốt hơn”, ông Trung khuyến nghị.

Rủi ro khi chạy theo đám đông

Nhìn vào diễn biến thị trường chứng khoán từ giữa tuần trước, có thể thấy dòng tiền vẫn hướng về nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp (SZL, SIP…) hay nhóm dệt may (TCM, MSH…). Một số cổ phiếu trong hai nhóm ngành này vẫn giữ được sắc xanh bất chấp thị trường đảo chiều. Dù vậy, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào các nhóm cổ phiếu này.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nhóm bất động sản khu công nghiệp phần lớn đang ở vùng đỉnh hay chạm đỉnh. 

Nhiều cổ phiếu đã tăng 50%, thậm chí hơn 100% so với thời điểm đầu năm 2019. Tất nhiên là từ cùng một lý do, đó là giá cho thuê hạ tầng khu công nghiệp sẽ tăng khi nhu cầu thuê đất xây nhà máy của các doanh nghiệp nước ngoài tăng lên.

Tuy nhiên, nếu để ý có thể thấy, đã xuất hiện yếu tố bất lợi cho nhóm này, ví dụ như Chính phủ Mỹ đang nghi ngờ việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch nhà máy từ nước họ qua Việt Nam nhằm né thuế. 

Nếu Mỹ áp dụng các chính sách tăng thuế đối với cả doanh nghiệp loại này tại Việt Nam, rõ ràng, nhu cầu thuê sẽ chững lại, thậm chí giảm.

Trong khi đó, đối với nhóm cổ phiếu dệt may, ông Lân cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ là một trong các động lực tăng trưởng, tương tự như động lực từ CPTPP hay EVFTA. Cơ hội trong ngắn hạn chưa rõ ràng, vì doanh nghiệp dệt may về cơ bản vẫn thiếu một số điều kiện nhất định về năng lực sản xuất - kinh doanh.

Do đó, nhóm dệt may cũng là nhóm có nhiều mã có hiệu quả kinh doanh tốt, nhưng P/E thấp, phản ánh kỳ vọng ngắn hạn không cao. Nhà đầu tư vào nhóm này nên kiên nhẫn chờ đợi thêm.

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, các biến cố của chiến tranh thương mại chỉ mang tính nhất thời, trong khi các doanh nghiệp cần phát triển trên một nền tảng ổn định dài hạn.

Những yếu tố hưởng lợi trong ngắn hạn có thể tạo ra một vài năm tăng trưởng đột biến cho doanh nghiệp và giá cổ phiếu cũng thường tăng mạnh theo diễn biến này. 

uy nhiên, nếu dùng kết quả của doanh nghiệp ở năm tốt nhất để định giá cho triển vọng tương tự nhiều năm sau thì có thể phải chịu rủi ro bong bóng giá.

Tâm lý đầu cơ ngắn hạn hay đầu tư theo xu hướng thị trường có thể tiếp tục thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên. Song, ở bất kỳ thời điểm nào, nhà đầu tư vẫn cần dành sự chú tâm đến yếu tố nội tại và tính bền vững trong tăng trưởng của từng doanh nghiệp để biết điểm dừng, cũng như giảm thiệt hại khi đầu tư theo xu hướng đám đông.


Hoàng Minh

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.