|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đầu tư cổ phiếu nhóm ngành hưởng lợi từ EVFTA cần thời gian

21:18 | 03/08/2019
Chia sẻ
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) chính thức được ký kết mặc dù đã mang lại những hiệu ứng ban đầu cho thị trường chứng khoán (TTCK) tăng điểm, song việc lựa chọn quyết định đầu tư vào cổ phiếu các nhóm ngành được hưởng lợi từ EVFTA như dệt may, da giày, thủy sản... cũng cần sự cân nhắc, đầu tư dài hạn của nhà đầu tư.

Chưa dễ tận dụng ưu đãi

EVFTA mang lại cơ hội lớn cho các DN ngành da giày, dệt may nhưng chỉ có các doanh nghiệp (DN) đáp ứng yêu cầu khép kín từ sợi - vải - may, tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ mới được miễn thuế. 

Cụ thể, để sản phẩm may mặc được miễn thuế thì phải thỏa mãn 2 điều kiện: vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU.

Đầu tư cổ phiếu nhóm ngành hưởng lợi từ EVFTA cần thời gian - Ảnh 1.

Nhóm, cổ phiếu của DN ngành dệt may và da giày kỳ vọng tăng trưởng nhờ EVFTA

Song, trên thực tế, nguyên liệu vải các DN dệt may Việt Nam đa phần có xuất xứ từ Đài Loan và Trung Quốc, là những quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có FTA với EU. 

Vì thế để có thể tận dụng các ưu đãi từ EVFTA các DN Việt buộc phải chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, các DN có thể tận dụng khi EVFTA ký kết, nhập khẩu các nguyên vật liệu (đặc biệt là vải) có xuất xứ từ châu Âu, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm.

Với nhóm cổ phiếu các DN ngành giày dép EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam ít gia công hoặc xuất khẩu vào EU. Hiện tại, nhóm này đang chịu mức thuế ưu đãi trung bình 3- 4% theo GSP. 

Khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ tự động chấm dứt, các mức thuế nhập khẩu đối với giày dép sẽ giảm dần đều xuống 0% tính từ mức MFN (khoảng 12,4%) theo lộ trình 3- 7 năm. 

Như vậy, trong vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm giày da sẽ chưa có lợi từ EVFTA, thậm chí là bị ảnh hưởng bất lợi, do mức thuế giảm dần đều từ mức 12,4% vẫn sẽ cao hơn mức 3- 4% theo GSP.

Cổ phiếu DN cá tra khi hiệp định EVFTA được ký kết, thuế xuất khẩu cá tra vào EU được cắt giảm từ 5,5% xuống 0% theo lộ trình 3 năm, giúp cá tra Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, thị trường EU đang có sự chuyển dịch trong xu hướng tiêu thụ thủy sản khi ưu tiên lựa chọn thực phẩm tự nhiên hơn và các sản phẩm chất lượng cao hơn. 

Do đó, các sản phẩm cá tra xuất vào thị trường này phải đáp ứng tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản). DN cần đáp ứng tiêu chuẩn kĩ thuật từ EU.

Tăng năng lực cạnh tranh cho DN

Theo ông Jean Jacques Bouflet- Phó chủ tịch EuroCham,  EVFTA có thể giúp giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 20% vào năm 2020 và tăng đến 44,37% vào năm 2030. Đặc biệt, EVFTA sẽ giúp GDP của VN tăng 2,18-3,25% trong giai đoạn 2019- 2023 và tăng 4,57- 5,3% từ năm 2024- 2028.

Muốn tận dụng được tối đa các ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại, thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu sang EU, một trong những việc các DN VN cần bắt tay làm ngay, trong quá trình chờ EVFTA đi vào thực hiện DN phải đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU, cải thiện năng lực cạnh tranh để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia về mặt chất lượng, uy tín sản phẩm.

Với ngành dệt may, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam EVFTA sẽ là hiệp định thương mại tác động đến phát triển của ngành dệt may Việt Nam rõ nét nhất, mở ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm, điểm nghẽn của ngành dệt may hiện nay trong vấn đề nguyên liệu nguồn. 

Với trình độ công nghệ đi đầu trong lĩnh vực xanh hóa ngành dệt may, các thiết bị máy móc trong lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm từ EU sẽ mở ra cơ hội cho các DN trong nước tiếp cận, đầu tư thiết bị trong lĩnh vực dệt, sợi. Từ đó mới giải quyết được nguồn cung vải thiếu hụt từ lĩnh vực sản xuất dệt nhuộm hoàn tất.

Như vậy, có thể thấy cổ phiếu của các nhóm ngành hưởng lợi từ EVFTA như dệt may, da giày, thủy sản... có tiềm năng lớn để đón cơ hội tăng trưởng song cũng cần những bước chuẩn bị kỹ của DN và nhà đầu tư bỏ vốn vào nhóm cổ phiếu này cũng cần xác định bước đầu tư dài hạn trên thị trường.

Thanh Thanh

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.