|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đồng tiền các nước đã biến động ra sao so với đồng USD?

08:00 | 11/08/2019
Chia sẻ
Trong khu vực châu Á, hai đồng tiền có mức biến động mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay là đồng bath (THB) của Thái Lan và đồng won (KRW) của Hàn Quốc nhưng lại theo hai hướng trái ngược nhau.

Báo cáo thị trường tiền tệ của CTCP Chứng khoán SSI cho biết kì vọng lần đình chiến thứ 2 của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài như lần đầu tiên (5 tháng) đã không xảy ra, đợt đình chiến này chỉ diễn ra trọn vẹn trong tháng 7. 

Trong tháng này, các đồng tiền vận động chủ yếu theo các thông tin kinh tế và động thái của các ngân hàng trung ương mà đi đầu là Fed. 

Những số liệu kinh tế tích cực từ báo cáo việc làm tháng 6, GDP quí II/2019, thâm hụt thương mại cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn khá vững vàng, đặc biệt là khi so sánh với các nền kinh tế của khu vực Châu Âu. 

Chỉ số PMI tháng 7 của Châu Âu ở mức 46,4, đánh dấu chuỗi 12 tháng giảm liên tiếp. Vì vậy, dù Fed giảm lãi suất 25 điểm như kì vọng nhưng đồng USD không giảm mà lại có một tháng tăng mạnh.

Chỉ số US Dollar Index (DXY) đã tăng từ 96,1 lên 98,5, tất cả 6 đồng tiền trong rổ tính toán chỉ số này đều giảm giá trong đó giảm giá mạnh nhất là đồng bảng Anh - GBP (giảm 4,21%). 

Các đồng tiền còn lại là euro - EUR, yen Nhật - JPY, dollar Canada - CAD, kronor Thuỵ Điển - SEK, franc Thuỵ Sỹ - CHF giảm lần lượt là 2,58%, 0,82%, 0,73%, 4,18% và 1,81% so với cuối tháng 6. 

Screen Shot 2019-08-10 at 11

Đối với khu vực châu Á, hai đồng tiền có mức biến động mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay là đồng bath (THB) của Thái Lan và đồng won (KRW) của Hàn Quốc nhưng lại theo hai hướng trái ngược nhau.

Đồng bath tăng giá 4,35% so với đầu năm trong khi đồng won lại giảm giá 6,61%. Trong Top 3 tăng giá trong 7 tháng đầu năm 2019 của khu vực Châu Á, ngoài bath còn có đồng rupee của Indonesia (INR) và peso của Philippines (PHP). 

Điểm chung của ba nước này đó là tăng trưởng GDP tích cực, các NHTW nâng lãi suất vào cuối năm 2018 và duy trì đến nay. 

Trong khi đó, GDP của Hàn Quốc đã tăng trưởng âm trong cả hai quí đầu năm 2019. Quan hệ trục trặc với Nhật Bản, căng thẳng Triều Tiên không hạ nhiệt và xuất khẩu giảm mạnh do chiến tranh thương mại tạo áp lực giảm giá đối với đồng won. 

Tháng 7, Trung Quốc đón nhận thông tin tăng trưởng kinh tế quí II/2019 chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong vòng 27 năm gần đây nhưng vẫn nằm trong mục tiêu của chính phủ nước này là 6% - 6,5%, tỷ giá USD/CNY giảm nhẹ 0,25%, về sát mức tỷ giá cuối năm 2018 là 6,88 CNY/USD.

Screen Shot 2019-08-10 at 11

Đầu tháng 8, đồng nhân dân tệ chính thức vượt qua "lằn ranh đỏ" ở mức 7 CNY/USD, NHTW Trung Quốc (PBoC) cũng đã điều chỉnh tỷ giá tham chiếu vượt qua ngưỡng này, chính thức ghi nhận sự phá giá mới của đồng nhân dân tệ.

Mỹ đã gắn mác thao túng tiền tệ cho nước này đồng thời chính quyền của ông Trump thông báo sẽ tiếp tục đánh thuế lên 300 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc, làm tăng thêm căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trúc Minh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.