Đồng Nai tìm vốn cho các dự án hạ tầng
Theo thống kê sơ bộ của Báo Đồng Nai, trước mắt Đồng Nai cần nguồn vốn vài chục nghìn tỉ đồng để phát triển các dự án hạ tầng trong giai đoạn tới.
Theo qui hoạch đến năm 2025, Đồng Nai sẽ nâng cấp mở rộng 22 tuyến đường hiện hữu và 6 tuyến đường mở mới thuộc tỉnh quản lí. Còn các huyện, TP Biên Hòa, TP Long Khánh, mỗi địa phương đề xuất làm mới, nâng cấp khoảng 30 tuyến đường cấp huyện, xã, ấp.
Riêng huyện Xuân Lộc có kế hoạch đầu tư lĩnh vực giao thông giai đoạn 2021-2025 gần 1.800 tỉ đồng để nâng cấp và mở mới các tuyến đường.
Trả lời trên Báo Đồng Nai, ông Huỳnh Tấn Thìn, Quyền Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết: "Trong 5 năm tới, huyện sẽ đầu tư xây dựng hai khu công nghiệp và một cụm công nghiệp ở xã Long Giao.
Bên cạnh đó, huyện có kế hoạch sửa chữa khoảng 30 tuyến đường để kết nối giao thông trên địa bàn và các vùng lân cận. Các tuyến đường mở rộng, đầu tư mới sẽ thu hút các dự án ở những lĩnh vực khác đầu tư vào".
Huyện Long Thành cũng đang gấp rút triển khai hàng loạt dự án về giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đặc biệt, sắp tới đây khi cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng thì càng cần phải kết nối hệ thống giao thông khu vực quanh sân bay.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020, tỉnh đã phê duyệt cho các địa phương thực hiện 253 dự án về giao thông. Các địa bàn được phê duyệt thực hiện nhiều dự án giao thông là TP.Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu.
Trong khi đó, theo kế hoạch đầu tư công, mỗi năm các địa phương chỉ được phân bổ vài trăm tỉ đồng để thực hiện các công trình, dự án hạ tầng nên không đủ vốn thực hiện.
Do vậy, các huyện, thành phố đều phải tìm thêm vốn để thực hiện các tuyến đường bằng hình thức xã hội hóa, đấu giá đất.
Thời gian qua, Đồng Nai đã tiến hành đấu giá nhiều khu đất và thu về hàng nghìn tỉ đồng để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm khác. Đây là giải pháp tạo vốn cho các địa phương tái đầu tư và phát triển trong giai đoạn tới.