|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đóng góp chính vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, Việt Nam đang là trung tâm chế biến, chế tạo của khu vực

07:28 | 31/08/2022
Chia sẻ
8 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo đóng góp tới 8,1 điểm%. Việt Nam cũng được coi như một trung tâm chế biến, chế tạo của khu vực và là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước do các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Riêng trong tháng 8, IIP ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 16,2%. Tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11%; ngành khai khoáng tăng 10,2%. 

Chế biến chế tạo đóng góp chính vào động lực tăng trưởng IPP

Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong mức tăng trưởng 9,4% toàn ngành thì ngành chế biến, chế tạo đã đóng góp 8,1 điểm % nhờ mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,8%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,2%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

 Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng IPP của các địa phương, có thể thấy, ngành công nghiệp chế tạo cũng dễ nhận thấy, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Trong đó điển hình là Bắc Giang, một trong những địa phương có lượng lớn doanh nghiệp chế biến, chế tạo quy mô lớn.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm khi hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.

Bên cạnh việc là ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng IIP, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu hút vốn FDI. 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/8/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2022 ước tính đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,86 tỷ USD, chiếm 77% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 8,6%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 994,4 triệu USD, chiếm 7,8%. 

Việt Nam được nhìn nhận như trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.

Đồng thời, Việt Nam cũng thu hút được các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, thế giới đã nhìn nhận Việt Nam như 1 trung tâm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Để đạt được thành tựu trên, Việt Nam hội tụ 2 yếu tố, nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng trưởng tốt và sự quyết tâm, nỗ lực cải cách của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là cải cách thể chế để hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cùng với việc mở cửa thực sự qua rất nhiều hiệp định thương mại tự do. TS. Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam vẫn đã, đang và sẽ là một HUD trong thu hút FDI về công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hạ An

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.