|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đóng cửa Parkson: liệu đã dừng lại?

07:00 | 21/11/2016
Chia sẻ
Hiện tại, sau khi Parkson Viet Tower đóng cửa, chấm dứt chuỗi hoạt động ở Hà Nội, Parkson còn lại 7 trung tâm thương mại khác tại Đà Nẵng, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. 

Liên tiếp 3 trung tâm thương mại Parkson đóng cửa

Mới đây, trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Viet Tower tại quận Đống Đa thông báo sẽ chính thức dời địa điểm kinh doanh từ ngày 15/12 sau 8 năm hoạt động. Sự ra đi này đã chấm dứt hoạt động của Parkson tại Hà Nội, chỉ để lại một lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại khách hàng thủ đô trong tương lai.

dong cua parkson lieu da dung lai
Thông báo của Parkson quận Đống Đa (Ảnh: Duy Anh/ Vietnamnet)

Với tổng diện tích hơn 11.000 m2, Parkson Đống Đa từng được kỳ vọng trở thành địa điểm mua sắm tấp nập của khu vực đông dân bậc nhất Hà Nội này. Tuy nhiên, thực tế trung tâm luôn trong tình trạng thưa vắng khách hàng.

Theo Công ty TNHH Parkson Hà Nội, việc di dời sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của các trung tâm mua sắm khác mang thương hiệu Parkson tại Việt Nam. Tuy nhiên, đóng cửa TTTM vào thời điểm này có thể sẽ khiến không ít doanh nghiệp gặp bất lợi vì khó tìm kiếm mặt bằng mới và sắp xếp công việc kinh doanh cuối năm.

Đây không phải lần đầu Parkson rút một TTTM khỏi hệ thống kinh doanh của mình. Sự ra đi lần này của Parkson Viet Tower có thể không quá bất ngờ và gây nhiều bức xúc như vào hồi tháng 1/2015, khi Parkson Landmark tuyên bố đóng cửa.

Parkson Landmark thuộc tòa nhà Keangnam, một trong những TTTM cao cấp và quy mô bậc nhất tại Việt Nam,đã đột ngột thông báo ngừng hoạt động. Đáng nói là, sau khi thông báo được phát đi, lực lượng bảo vệ lập tức đóng tất cả các cửa “nhốt” khách hàng, chủ quầy và nhân viên trong gần 2 giờ đồng hồ, ngăn không cho mọi người mang đồ ra ngoài.

Sau khi công an đến làm việc, bảo vệ mới mở một cửa duy nhất để mọi người ra ngoài, không mang theo hàng hóa. Các chủ cửa hàng thì bị yêu cầu phải chuyển hết đồ đi ngay trong đêm 3/1.

Đại diện doanh nghiệp khi ấy đã thừa nhận trên báo chí rằng kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo kế hoạch đề ra.

Không chỉ đóng cửa một TTTM tại hệ thống ở Hà Nội, đầu năm nay, Parkson Paragon ở quận 7, TP HCM cũng âm thầm đóng cửa. Theo đơn vị quản lý, kế hoạch di dời này đã được thông báo đến các đối tác kinh doanh tại trung tâm trước 2 tháng.

Parkson Paragon (tên cũ là Saigon Paragon) chính thức thuộc quyền quản lý của Parkson vào năm 2011. Thời gian quản lý được công bố là 19 năm, nhưng chỉ sau 5 năm hoạt động thì nhà đầu tư này đã rời đi nơi khác.

Yếu điểm của “gã khổng lồ”

Parkson là thành viên của tập đoàn Lion, một tập đoàn quốc tế được thành lập từ năm 1930 tại Malaysia. Tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, tại nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Việt Nam, Hồng Kông, Indonesia, Mexico, Singapore và Hoa Kỳ.

Ngày 29/6/2005, TTTM cao cấp đầu tiên của Parkson chính thức mở cửa tại TP HCM, là trung tâm chuẩn quốc tế đầu tiên có mặt tại thành phố.

Hiện tại, sau khi Parkson Viet Tower đóng cửa, Parkson còn lại 7 TTTM. Trong đó, 5 trung tâm ở TP HCM gồm Parkson Saigontourist (quận 1), Parkson Cantavil Premier (quận 2), Parkson Hùng Vương Plaza (quận 5), Parkson C.T Plaza (quận Tân Bình) và Parkson The Flemington (quận 11); một trung tâm ở Đà Nẵng là Parkson Vĩnh Trung Plaza và một trung tâm ở Hải Phòng là Parkson TD Plaza.

Ngoài việc kinh doanh các thương hiệu nổi tiếng thế giới và trong trong khu vực, Parkson còn cung cấp các dịch vụ giải trí, ăn uống và khu siêu thị phục vụ cho tất cả khách hàng.

Nhiều người cho rằng, Parkson đã thất bại ở Hà Nội vì ế ẩm kéo dài. Trong khi Parkson tập trung vào cung cấp dịch vụ mua sắm cao cấp, kén khách mua thì Hà Nội cũng bùng phát quá nhiều TTTM tổ hợp phát triển mạnh cả mua sắm, giả trí, ẩm thực… đáp ứng hầu hết các nhu cầu của khách hàng. Những cái tên đình đám khác hiện có thể kể đến như Royal City, Time City, Aeon Mall hay Lotte.

Theo thông tin từ CafeBiz từng đưa, khác với việc cho thuê mặt bằng thuần túy như Vincom, hệ thống Parkson hoạt động theo mô hình chia sẻ doanh thu. Tức là, TTTM sẽ thu một khoản phí thuê mặt bằng, đồng thời sẽ thu thêm phần “chia sẻ doanh thu” từ những hóa đơn bán hàng của chủ cửa hàng (doanh thu theo tháng).

dong cua parkson lieu da dung lai

Với tình trạng các cửa hàng vắng khách mua, mức doanh thu của hệ thống Parkson cũng không thể khả quan được với cách tính phí trên.

Không những thế, Parkson còn từng nhận không ít phàn nàn về việc khách mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng tại trung tâm. Trên các diễn đàn mạng, có thể dễ dàng tìm thấy những phản ánh không tốt của người dùng từng mua hàng tại Parkson.

Linh Lê