Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do COVID-19: Đúng hay sai luật?
Dù nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục lại sau đại dịch COVID-19, chúng ta vẫn không thể chắc chắn rằng COVID-19 sẽ không trở lại. Những hậu quả từ đợt dịch đầu tiên có thể kể đến là hàng loạt doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hoặc phải sử dụng đến các giải pháp nhân sự chẳng hạn như: thỏa thuận giảm lương, giảm thời gian làm việc, chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động (HĐLĐ), thỏa thuận tạm ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, hoặc thậm chí là cắt giảm nhân sự, tùy theo tình hình sản xuất và kinh doanh của từng nơi.
Căn cứ pháp lý thường được các doanh nghiệp dựa vào đó để cắt giảm nhân sự là đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Liệu việc này có phù hợp với luật lao động?
Theo điểm c, khoản 1, Điều 38 của Bộ Luật Lao Động 2012 (BLLĐ 2012) và điểm a, khoản 2, Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ vì lý do bất khả kháng chằng hạn như dịch bệnh.
Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu .
Đến ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg công bố dịch COVID-19, với tính chất và mức độ nguy hiểm của dịch thuộc Bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh), nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.
Vì lẽ đó, dịch COVID-19 được xem là sự kiện bất khả kháng để làm cơ sở pháp lý cho người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định của bộ luật lao động. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần.
Theo Điều 38 của BLLĐ 2012, người sử dụng lao động còn phải chứng minh rằng "đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc". Pháp luật lao động lại không quy định cụ thể như thế nào sẽ được xem là "đã tìm mọi biện pháp khắc phục".
Cho nên, chưa có cơ sở chắc chắn rằng liệu còn có biện pháp khả thi nào khác ngoài các biện pháp mà doanh nghiệp đã thực hiện trước khi đi đến quyết định cắt giảm nhân sự không.
Trước khi đi đến kết luận cắt giảm nhân sự, doanh nghiệp vẫn còn có nhiều biện pháp trước mắt có thể thực hiện chẳng hạn như: xem xét việc chậm trả lương cho người lao động; đưa ra kế hoạch nghỉ hằng năm mới và yêu cầu người lao động phải sử dụng hết số ngày nghỉ hằng năm chưa sử dụng; tạm hoãn, cắt giảm hoặc hủy bỏ các khoản thưởng dành cho người lao động; thỏa thuận với người lao động về việc giảm lương, giảm thời gian làm việc; chuyển người lao động sang làm công việc khác so với HĐLĐ; thỏa thuận tạm ngừng việc, nghỉ không hưởng lương; thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ.
Khoảng một tháng qua Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm trong cộng đồng. Nền kinh tế đang dần hồi phục trở lại. Việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ với người lao động vì lý do dịch bệnh trong bối cảnh tích cực hiện nay sẽ dễ gặp phải tâm lý phản đối hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của dịch. Người lao động bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ có thể phản đối những biện pháp mà doanh nghiệp áp dụng và khởi kiện doanh nghiệp.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc kỹ đến việc áp dụng các giải pháp được nêu ở trên trước, sau đó mới đưa đến kết luận cắt giảm nhân sự như là bước sau cùng.
Với Chủ đề "Luật lao động trong Kỷ nguyên Công nghiệp 4.0", Hội nghị Luật lao động Việt Nam sẽ đồng hành cùng Quý doanh nghiệp trong việc ứng dụng sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ mà vẫn phù hợp với quy định của Pháp luật trước những tác động của Đại dịch COVID-19.
Mua vé sớm, nhận ưu đãi Early bird lên đến 60%. Đặt ngay hôm nay: https://vnhr.vn/vietnam-labour-law