Đơn hàng năm 2023 của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất
Ngày 12/11, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) báo cáo Thủ tướng một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đơn hàng cho năm 2023 giảm, nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất
Theo Ban IV, trong tháng 10 và đầu tháng 11, qua trao đổi, nắm bắt tình hình 16 tổ chức hội, hiệp hội cho thấy, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều chung nhận định, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý IV và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với kết quả quý III.
Nguyên nhân là cơ hội thị trường, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng,... Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.
Nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng chủ yếu đến từ hai yếu tố: chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư lĩnh vực bất động sản trên toàn cầu) giảm mạnh.
Ngoài ra nguyên nhân còn đến từ xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.
Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến hết tháng 7, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 220 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài; trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 173 vụ, chiếm 78%.
Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu gặp khó khăn còn do chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế.
Sức ép này đến từ các yếu tố: giá dầu thế giới có thể sẽ bị đẩy lên mức cao, tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội và TP HCM vẫn chưa được tháo gỡ, khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh. Tỷ giá USD/VND tăng mạnh, trong bối cảnh trên 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, làm tăng chi phí đầu vào, đồng thời kéo theo sức ép lên mặt bằng giá sản xuất trong nước.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số giá nhập khẩu cũng tăng rất cao 10,68% so với 9 tháng 2022, là mức tăng cao nhất kể từ 2012.
Bên cạnh đó, lãi suất tăng nhanh làm chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tăng cao. Rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn hiện hữu khi Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero COVID”. Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc là thị trường cung cấp lớn đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, nhất là với nhóm linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải và hóa chất.
Cần tiến hành các cuộc bàn tròn công - tư để tìm giải pháp
Báo cáo do ông Trương Gia Bình, Trưởng ban IV, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cho biết, thời gian qua, quyết tâm của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn hơn cho doanh nghiệp, giảm mọi chi phí để phục hồi kinh tế…, đã mang lại những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, một số vấn đề gần đây trong quá trình các cấp, ngành thực thi các quy định, chính sách, khung pháp lý đã làm ảnh hưởng ít nhiều tới niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh.
Dẫn chứng, Ban IV cho hay, vấn đề hoàn thuế VAT cho các mặt hàng xuất khẩu của ngành gỗ, cao su đang gặp nhiều trở ngại với quy trình xác minh nguồn gốc phức tạp, không nhất quán cách làm giữa các địa phương, không nhất quán giữa thời gian xác minh được công bố (40 ngày) với thời gian thực tế (có thể lên tới nhiều tháng thậm chí cả năm), làm đọng vốn với số tiền rất lớn của doanh nghiệp.
Vấn đề này đã được Ban IV báo cáo Thủ tướng tại kỳ báo cáo tháng 4 - 5 năm 2021. Ở thời điểm hiện tại, việc chậm hoàn thuế càng tạo ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền.
Hay vấn đề đảm bảo quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng gây những dư luận không tốt trong cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, do các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện việc lấy ý kiến doanh nghiệp (đối tượng chịu sự tác động của các quy định) một cách thực chất.
Để khắc phục phần nào các khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt, giảm sự bị động về tín hiệu thị trường, Ban IV và các hiệp hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ chuyên ngành cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có các kế hoạch thích ứng phù hợp.
Đặc biệt, cần khẩn trương tiến hành các cuộc bàn tròn công - tư nhằm phân tích các giải pháp tối ưu thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh một số thị trường truyền thống của cả nhập khẩu, xuất khẩu đều gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình này, cần chú trọng phân tích các xu hướng và yêu cầu mới sẽ phát sinh ở các thị trường, đặc biệt xu hướng thiết lập các hàng rào kỹ thuật gắn với mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải do các liên minh xanh đang thúc đẩy trên phạm vi toàn thế giới.
Đối với việc duy trì niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, thực chất quy trình tham vấn, lấy ý kiến của doanh nghiệp khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan, không chỉ lấy ý kiến một vài đơn vị mang tính đại diện.
Đồng thời, tập trung rà soát, cải thiện, đẩy mạnh trực tuyến hóa một số nhóm quy trình, thủ tục có tần suất thực hiện lớn và có ảnh hưởng tới hầu hết doanh nghiệp như nhóm thủ tục về khởi sự kinh doanh, thương mại, các thủ tục quy trình về đầu tư, thuế…, và tháo gỡ trọng tâm các kiến nghị về hoàn thuế cho doanh nghiệp ngành gỗ, cao su.