|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

‘Chứng khoán giảm, đất hết sốt, trái phiếu trầm lắng nhưng đây không phải là cuộc khủng hoảng’

13:41 | 01/11/2022
Chia sẻ
Chuyên gia khẳng định đây không phải là cuộc khủng hoảng từ cấu trúc nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng toàn thế giới cũng như Việt Nam hoạt động ổn định, thậm chí mạnh mẽ chứ không phải yếu.

 

"Môi trường đầu tư đang khá ngột ngạt” – Giám đốc phân tích của một công ty chứng khoán nói trong ngày cuối tháng 10 khi thị trường chứng khoán lần đầu tiên thủng mốc 1.000 điểm kể từ thời điểm cuối năm 2020.

“Thị trường chứng khoán chưa năm nào giảm sốc như này. Giảm sốc ở đây nghĩa là giảm quá nhanh và trong thời gian quá ngắn”, vị này nói thêm.

Ở kênh đầu tư khác là bất động sản, Lan Anh – chủ một chuỗi cửa hàng thời trang nói đang không bán được mảnh đất 4 tỷ đồng ở Kon Tum do thị trường trầm lắng.

“Mọi thứ khó khăn hơn sau khi Kon Tum thu hồi hai dự án FLC khảo sát hồi tháng 5. Cả nước kẹt hàng”, Lan Anh nói, cho biết mình vẫn may mắn vì không thuộc nhóm vay ngân hàng đầu tư vào đất và vẫn có thu nhập đều từ việc kinh doanh riêng.

Nhận định bao quát về những gì đã xảy ra thời gian qua, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam nhấn mạnh trong nhiều năm, thị trường tài chính lần đầu chứng kiến nhiều vấn đề xảy ra cùng lúc, khiến nhà đầu tư cảm giác môi trường đầu tư quá rủi ro.

“Lần đầu tiên, môi trường đầu tư bị bó hẹp. Nếu như những năm trước, như giai đoạn 2018-2019 cổ phiếu xấu đi, nhà đầu tư có thể tìm tới các kênh khác như trái phiếu hay bất động sản, hiện tại câu chuyện hoàn toàn khác. Chỉ còn một kênh an toàn duy nhất là tiết kiệm”.

 VN-Index có thời điểm tụt về giai đoạn cuối năm 2020. (Ảnh: TradingView).

 

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia dùng từ “thoi thóp” khi nói đến thị trường bất động sản. 

“Thị trường bất động sản đang thoi thóp trong xu thế rất có thể bị đóng băng, trong khi đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị đình trệ, nguy cơ bị vỡ nợ rất nhiều, thị trường chứng khoán cũng đang đình đốn. Các thị trường này đều tác động rất lớn vào các ngân hàng thương mại, vào các khoản vay, vào các tài sản đảm bảo” ông nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận tình trạng thị trường bất động sản đứng im là một sai lầm mang tính chiến lược, không phải câu chuyện ngắn hạn.

"Giá bất động sản bị đẩy lên rất cao, trong khi đó đất đai khan hiếm dần. Lẽ ra chúng ta có nguồn vốn giá rẻ để công nghiệp hóa, nay lại trở thành nước có nguồn vốn giá đắt để đi buôn bất động sản”, ông nêu vấn đề.

 

Điểm qua thị trường bất động sản thời gian qua, báo cáo mới nhất từ CBRE cho thấy trong quý III, Hà Nội ghi nhận 3.640 căn hộ mở bán mới, chỉ tăng 5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó ở TP HCM, nguồn cung mới giảm mạnh với 2.851 căn hộ được chào bán ra thị trường, giảm 80% so với quý II.

Ở phân khúc đất nền tại thị trường TP HCM và vùng phụ cận, DKRA cho biết nguồn cung mới giảm đáng kể, chỉ bằng 34,4% so với quý II, đa phần tập trung tại giai đoạn tiếp theo của những dự án mở bán trước đó. TP HCM tiếp tục không phát sinh dự án mở bán mới.

DKRA nhận định sức cầu thị trường có xu hướng giảm, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 52% và đây là mức thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm.

Ở thị trường Đà Nẵng và vùng phụ cận, nguồn cung mới trong quý III ghi nhận mức giảm 17,2% so với quý II.

 

“Tình trạng sốt nóng không còn xảy ra với thị trường bất động sản như hồi đầu năm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bình luận. Ông cũng dẫn dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt.

“Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Tỷ lệ hấp thụ trong quý III/2022 chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng vốn bất động sản gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư”.

Ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo mới nhất của VNDirect cho biết tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III đạt mức 60.635 tỷ đồng, giảm 50,5% so với quý trước, giảm 70,9% so với cùng kỳ.

Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm giảm mạnh 43,5% so với cùng kỳ xuống còn 248.603 tỷ đồng.  

 

 

 

Các thị trường đều đang có vấn đề, tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng đây không phải là một cuộc khủng hoảng với kinh tế Việt Nam và kinh tế toàn cầu. Đó chỉ là một tai nạn do COVID-19. Khi COVID-19 sắp kết thúc, xung đột Nga-Ukraine lại xảy ra khiến mọi thứ khó khăn hơn.

“Đây không phải là cuộc khủng hoảng từ cấu trúc nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng toàn thế giới cũng như Việt Nam hoạt động ổn định, thậm chí mạnh mẽ chứ không phải yếu. Nếu căng thẳng Nga-Ukraine lắng dịu, kinh tế thế giới có thêm cơ hội phục hồi trở lại. Khi đó Trung Quốc nhiều khả năng cũng nới lỏng chính sách Zero-COVID, ông nói và dự báo giữa năm sau tình hình sẽ khả quan hơn rất nhiều.

Chuyên gia cũng nhìn nhận những hành động của Chính phủ, xử lý kịp thời những vấn đề trên các thị trường tài sản là cần thiết. Bởi những thị trường này có tác động trực tiếp vào hệ thống ngân hàng thương mại.

"Ngân hàng thương mại lung lay, đồng nghĩa khủng hoảng xuất hiện", ông cảnh báo và nhắc lại mục tiêu quan trọng nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, thanh khoản các thị trường tiền tệ, ngoại hối.  

 

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhìn nhận gần 10 năm nay mới có một giai đoạn NHNN thực sự đứng trước thách thức lớn như bây giờ. Những gì chúng ta đang trải qua khó khăn hơn rất nhiều giai đoạn tăng lãi suất của Fed vào năm 2015-2019 và giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ Trung bùng phát.

Theo CEO WiGroup, hiện nay NHNN phải tăng lãi suất và bán ra ngoại hối rút VND về nhằm ổn định tỷ giá, mặt khác phải đảm bảo việc thắt chặt chính sách tiền tệ không làm ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh viễn cảnh kinh tế thế giới năm 2023 không tươi sáng.

"Theo tôi, NHNN đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, phối hợp cả công cụ lãi suất và dự trữ ngoại hối cũng như biện pháp hành chính để ổn định tỷ giá. Mặc dù biết đây là biện pháp tình thế để chờ đợi sự ổn định của USD và chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ Fed nhưng rõ ràng đến thời điểm này  có thể nói là NHNN đã thành công so với bối cảnh toàn cầu", ông Báu nói.

Tổng tín dụng trong nền kinh tế, tổng tiền gửi và cung tiền M2. (Nguồn: WiChart).

Quay trở lại quá khứ, vào thời điểm này một năm trước, nền kinh tế được hồi sinh khi mở cửa trở lại chấp nhận sống chung với COVID-19. Năm 2022 khởi đầu với gói kích thích kinh tế gần 350.000 tỷ cùng với kế hoạch phục hồi chi tiết mang theo nhiều hy vọng về một cuộc phục hồi suôn sẻ.

Tuy nhiên, cuộc chiến Nga- Ukraine nổ ra cuối tháng 2, nguy cơ suy thoái ở những nền kinh tế lớn càng rõ nét, Fed tiếp tục mạnh tay thắt chặt tiền tệ chống lạm phát, USD ngày càng mạnh lên,… khiến đường phục hồi của nền kinh tế trở nên gập ghềnh hơn.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nền kinh tế đang đứng trước thách thức rất lớn do nhiều áp lực bên ngoài đi kèm những áp lực khác trong nước như đã đề cập ở trên.

Ông đề xuất NHNN nới room tín dụng thêm khoảng 2%, nâng tăng trưởng tín dụng cả năm lên 16% để hỗ trợ đầu tư trong nước và thị trường nội địa. Điều này cũng sẽ giúp cho các thị trường đang bị ‘khô máu’, dần tươi trở lại. Tuy nhiên điều này đồng nghĩa áp lực với NHNN sẽ tăng lên.

"Muốn phục hồi thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đều cần phải có tiền, muốn doanh nghiệp đi vào hoạt động bình thường cũng cần phải bơm tiền. Hiện, các doanh nghiệp đang chiếm dụng vốn của nhau rất lớn, họ buộc phải làm vậy vì không còn cách nào khả dĩ hơn", ông cho hay.

Nhìn lại giai đoạn trước, ông cho rằng NHNN đã có nhiều bài học của quá khứ, của nhiều lần đổ bể về kinh tế vĩ mô, nặng nề nhất là năm 1997, sau đó đến năm 2007-2008 và kéo dài đến tận 2011. 

Thời điểm đó tăng trưởng tín dụng lên tới 30%, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội kiểm soát tín dụng nên rất khó để kiểm soát tỷ giá hối đoái.

Trong suốt cả quá trình dịch bệnh đến bây giờ, NHNN đã kiểm soát chặt tín dụng. Ông đánh giá NHNN đã lựa chọn chính xác công cụ cần kiểm soát bằng mọi giá, khi kiểm soát được công cụ đó mới có cơ hội để kiểm soát các công cụ khác như tỷ giá hối đoái, lãi suất. 

“Đừng quá chú trọng đến thành tích tăng trưởng. Điều cần hướng đến là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, giữ được đà phục hồi. Nếu tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp mất đi, nền kinh tế cũng sẽ chết theo”, ông nói.

 Ảnh: Nikkei Asia.

Anh Đào