|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Domesco trước nguy cơ lợi nhuận giảm

11:45 | 16/12/2019
Chia sẻ
Sau khi ghi nhận doanh thu chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ 2018 trong nửa đầu năm nay, báo cáo tài chính của CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) trong quý III/2019 đã có những tín hiệu khả quan hơn, với doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ 2018, qua đó kéo tăng trưởng 9 tháng lên mức 7,7%.

Mặc dù doanh thu tiếp tục tăng trưởng, nhưng biên lợi nhuận gộp hợp nhất 9 tháng đầu năm 2019 của DMC chỉ đạt 33%, giảm từ mức 36,5% cùng kỳ 2018 và ghi nhận xu hướng suy giảm năm thứ 2 liên tiếp.

Trước đó, biên lợi nhuận gộp của DMC giảm từ 39,9% trong năm 2017 xuống 35,3% trong năm 2018.

Lý giải điều này, nguyên nhân được đánh giá đến từ xu hướng chuyển dịch tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu khi mảng bán hàng hóa mở rộng trong khi mảng bán thành phẩm sản xuất bị thu hẹp tại DMC.

Domesco trước nguy cơ lợi nhuận giảm - Ảnh 1.

Cụ thể, báo cáo tài chính của DMC cho biết, 9 tháng đầu năm nay, mảng bán thành phẩm sản xuất chỉ đạt 797,5 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, mảng bán hàng hóa đạt mức tăng 105% đạt 251,1 tỷ đồng.

Theo đó, tỷ trọng mảng bán hàng hóa đã tăng lên 23,9% so với mức 12,6% cùng kỳ 2018.

Việc tập trung vào mảng hàng hóa có biên lợi nhuận thấp, chỉ 6,4% trong 9 tháng 2019 so với mức biên lợi nhuận gộp của mảng thành phẩm sản xuất lên đến 41,6% được xem là nguyên nhân chính khiến biên lợi nhuận gộp 9 tháng của DMC giảm, tổng lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm 2,5% so với cùng kỳ, chỉ còn 346,5 tỷ đồng dù doanh thu tăng trưởng.

Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng lần lượt được tiết giảm 4,2% và 13,1%, chủ yếu do giảm chi phí nhân viên đã góp phần quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 208,2 tỷ đồng và 166,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, có thể thấy, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể so với kết quả lợi nhuận tăng trưởng kép bình quân 17,3% của giai đoạn 2015-2018.

Tại đại hội đồng cổ đông tháng 4/2019, DMC thận trọng đặt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận ở mức gần như tương đương so với thực hiện 2018.

Tuy vậy, với việc mới hoàn thành 71,4% kế hoạch doanh thu và 72,3% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng, gánh nặng hoàn thành kế hoạch cả năm trong quý IV vẫn là khá lớn.

Bức tranh tài chính của DMC phản ánh tình hình kinh doanh đang gặp không ít khó khăn, dù thị trường thuốc Việt Nam được đánh giá có triển vọng tăng trưởng tốt do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng theo mức thu nhập trung bình gia tăng.

Bên cạnh cơ hội, thách thức trong ngành dược cũng không nhỏ, đến từ sự cạnh tranh của các thuốc nhập khẩu, sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt sau một loạt thương vụ M&A lớn trong ngành, nhiều doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và các đối thủ cạnh tranh đều muốn đẩy mạnh đầu tư nhằm gia tăng “miếng bánh” thị phần.

Trong bối cảnh đó, DMC được đánh giá cao về lợi thế từ cấu trúc tài chính mạnh, doanh nghiệp hiện không còn vay nợ. nhưng những khó khăn từ hoạt động kinh doanh có thể tạo áp lực lên cơ cấu nguồn vốn, từ đó tạo sức ép lên lợi nhuận trong thời gian tới nếu tình hình dòng tiền không sớm thay đổi.

Cụ thể, trong cơ cấu tài sản của DMC, giá trị các khoản phải thu đến 30/9/2019 là 671,9 tỷ đồng, tăng 66% so với đầu năm, trong đó có 98,6% là phải thu ngắn hạn của khách hàng. Tỷ trọng khoản phải thu trên tổng tài sản lên đến 48%.

Nếu như về dài hạn, phải thu lớn sẽ đem đến nguy cơ phát sinh các khoản nợ xấu thì trong ngắn hạn việc khoản mục này tăng quá nhanh so với doanh thu cũng cho thấy, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Công ty bị chiếm dụng đáng kể.

Trong năm 2018, trong khi DMC ghi nhận 286 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế thì dòng tiền hoạt động kinh doanh thặng dư chỉ 26,8 tỷ đồng.

Ðể đáp ứng nhu cầu đầu tư tài sản cố định và chi trả cổ tức cho cổ đông, DMC đã sử dụng nguồn tiền dự trữ từ những năm trước.

Kết quả là nguồn tiền suy giảm đáng kể.

Tổng số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi các loại đã giảm 59,2 tỷ đồng trong năm 2018.

Trong 9 tháng đầu năm nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Trong khi dòng tiền hoạt động kinh doanh thu về chỉ thặng dư 56,5 tỷ đồng, chỉ tương ứng hơn 1/4 lợi nhuận trước thuế thì Công ty phải chi 27,7 tỷ đồng đầu tư tài sản cố định, 23,5 tỷ đồng trả nợ vay và 86,3 tỷ đồng chi trả cổ tức, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các loại đến 30/9/2019 đã giảm thêm 63,5 tỷ đồng so với đầu năm.

Số dư tiền gửi giảm một mặt sẽ khiến khoản mục lãi tiền gửi trong doanh thu tài chính tương ứng suy giảm.

Nếu xu hướng dòng tiền hoạt động kinh doanh không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư, trả cổ tức, việc DMC có thể sẽ phải dùng đến vay nợ để bổ sung vốn lưu động, đầu tư khi nguồn lực dự trữ suy giảm sẽ là khó tránh.

Thực tế này có thể làm tăng chi phí tài chính cho Công ty.

Dư luận chờ đợi DMC có những giải pháp mới thúc đẩy kinh doanh năm tới.

Nếu lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính không ngừng đà suy giảm, Công ty đứng trước nguy cơ lợi nhuận sẽ còn giảm trong tương lai.

Khắc Lâm

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.