|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đổi 3 khu đất vàng lấy 455m đường: Thanh Hóa phân trần

12:14 | 28/02/2019
Chia sẻ
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa khẳng định, giá trị quỹ đất trên 19ha đã được các ngành xác định tiệm cận giá thị trường.

Liên quan đến đề xuất xây dựng tuyến đại lộ Đông Tây, đoạn từ sông Nhà Lê đến QL 47, TP Thanh Hoá với tổng vốn đầu tư hơn 128 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, đã trả lời những thắc mắc của dư luận xung quanh dự án này.

Chia sẻ với báo Lao động, ông Hùng cho biết, tại báo cáo kết quả thẩm định (lần 2) do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến các sở, ngành liên quan thì số tiền trên 128 tỷ đồng không phải chỉ để thi công đoạn đường dài 455m mà bao gồm cả chi phí xây dựng công trình và chi phí giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, chi phí xây dựng là 31,9 tỷ đồng (tương đương với suất đầu tư khoảng 70 tỷ đồng/km theo quy định của Bộ Xây dựng. Còn lại 72,3 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng được xác định trên cơ sở kiểm đếm 1,77ha, trong đó 0,78ha đất ở với 80 hộ dân cần tái định cư. Giá đất đền bù giải phóng mặt bằng được xác định khoảng 12 triệu đồng/m2.

doi 3 khu dat vang lay 455m duong thanh hoa phan tran
Đề xuất đổi 3 khu đất vàng với tổng diện tích hơn 19ha lấy 455m đường gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa

“Như vậy, không có chuyện đơn giản làm 455m đường mà tiêu tốn tới 128 tỷ đồng”, ông Hùng nói.

Về thông tin giá trị quỹ đất trên 19ha, ông Hùng cho hay, các ngành cũng đã xác định giá đất tiệm cận giá thị trường. Theo đó, khu vực 1 và 2 được xác định giá từ 4,8 – 12 triệu đồng/m2; khu vực 3 có giá 13 triệu đồng/m2.

“Mức giá đó là hợp lý, tiệm cận giá thị trường và đảm bảo tính khả thi của dự án”, ông Hùng cho hay.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây có tờ trình số 153/TTr-UBND ngày 3/12/2018, gửi HĐND tỉnh về việc đề nghị quyết định chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Đại lộ Đông Tây, đoạn từ sông Nhà Lê đến Quốc lộ 47, TP Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT).

Dự án do Công ty Cổ phần Sông Mã đề xuất và được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, phê duyệt.

Tuyến đường này có chiều dài 455m, tổng số vốn đầu tư là hơn 128 tỷ đồng. Đổi lại, nhà đầu tư sẽ được thanh toán 3 khu đất trên địa bàn TP Thanh Hóa để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các khu dân cư, tái định cư, với tổng diện tích 19,36ha.

Những khu đất được xác định đổi cho nhà đầu tư nói trên đều là những khu vực có giá trị cao. Giá thị trường hiện nay khoảng từ 8 – 20 triệu đồng/m2.

Dự án trên đã được Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá thông qua, báo Lao động cho biết.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, với tổng vốn đầu tư chưa đến 130 tỷ đồng, ngân sách tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn có thể bỏ ra đầu tư tuyến đường trên, sau đó có thể quy hoạch khu dân cư, trung tâm thương mại... rồi bán thu ngân sách nhà nước, chắc chắn sẽ hiệu quả và có lợi hơn cho tỉnh.

"Không thể có chuyện giao cho nhà đầu tư làm, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng không đáng bao nhiêu trong khi đất thanh toán cho nhà đầu tư lại là đất vàng, có giá trị cao gấp nhiều lần chi phí nhà đầu tư bỏ ra", ĐBQH Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Xem thêm

Minh Thái

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.