Xử lý sai phạm chuyển đổi đất công Đà Nẵng thế nào?
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Kết quả thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm gây thất thoát ngân sách với số tiền lớn.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch UBND TP Đà Nẵng xác định lại giá thu tiền sử dụng đất đối với các cơ sở nhà đất được giảm hệ số sinh lợi không có căn cứ; thu hồi số tiền sử dụng đất mà TP đã giảm không phù hợp với quy định của pháp luật khi chuyển đổi quỹ đất công sang mục đích khác.
Ngoài ra, cần chấn chỉnh công tác xác định, thẩm định và phê duyệt giá chuyển quyền sử dụng đất, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) tán thành với những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và khẳng định, tài sản công là tài sản của nhà nước và toàn dân, phải quản lý và sử dụng theo luật tài chính công.
Ông chỉ ra thực tế, hàng chục năm qua, việc quản lý tài sản công ở Việt Nam bị buông lỏng, việc kiểm tra, giám sát không đến nơi đến chốn, việc quản lý, sử dụng các tài sản này nhằm mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế không đạt yêu cầu.
Mảnh đất số 48 Nguyễn Du (TP Đà Nẵng). Ảnh: Tuổi trẻ |
Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã thanh tra, kiểm tra và phát hiện ra rằng, việc quản lý, sử dụng tài sản công nói chung, đặc biệt là quản lý đất công có rất nhiều sai phạm:
Thứ nhất, sai phạm về vượt thẩm quyền quản lý, sử dụng hoặc vượt thẩm quyền quyết định bán hoặc cổ phần hóa, cho thuê.
Thứ hai, nhiều diện tích đất công đã được chuyển hóa thành đất của các doanh nghiệp mà thực tế là đất của tư nhân. Việc thực hiện chuyển hóa này không đúng quy trình, trong đó không thẩm định giá một cách hợp pháp, hợp lý, không đấu thầu các dự án theo quy định. Hệ quả là giá trị các tài sản bị thất thoát.
"Đằng sau đó có sự móc nối, lợi ích nhóm của một bộ phận các cán bộ quản lý tài sản công với các chủ thể từ đó dẫn đến họ cố tình làm sai để đem lại lợi ích cho cá nhân, doanh nghiệp. Đây chính là những điều Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Khẳng định những tài sản công hoặc đất công khi mua bán không đúng thẩm quyền là sai cả về mặt luật pháp, chính sách, chế độ, vị chuyên gia cho rằng phải đình chỉ các hợp đồng mua bán hay cổ phần hóa, chuyển hóa những tài sản công, diện tích đất công thành tài sản riêng của doanh nghiệp, tư nhân.
"Khi đó, phải đưa nó trở thành vụ án hình sự và phải xác định trách nhiệm, sai phạm của cá nhân, tổ chức liên quan. Khi ấy, sẽ có quyết định đình chỉ việc mua bán ở các dự án đó để thực hiện việc điều tra, thu hồi tài sản nhằm tránh thất thoát", ông nhấn mạnh.
Với những dự án dù đúng thẩm quyền nhưng không thực hiện đúng quy trình như không định giá theo giá thị trường, không đấu thầu công khai, rõ ràng, minh bạch, theo ông Thịnh, phải xem xét đình chỉ các hợp đồng mua bán và thỏa thuận khác.
Nếu việc chuyển hóa đã xong, bên nhận chuyển nhượng đã xây dựng xong hay hình thành dự án nào đó thì phải định giá lại theo thị trường, từ đó buộc những người tham gia vào việc mua bán này phải trả đúng giá thị trường và bị xử lý về mặt hành chính, hình sự một cách chính xác.
Trường hợp có liên quan đến lợi ích nhóm cụ thể, rõ ràng có thể khới tố vụ án liên quan đến các hành vi tham nhũng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để hưởng lợi cá nhân hay các vụ án kinh tế khác.
Từ những phân tích ở trên, trước những sai phạm trong việc chuyển đổi nhà đất công sang mục đích khác gây thất thoát ngân sách với số tiền lớn tại Đà Nẵng, ông Thịnh khẳng định, Đà Nẵng phải xác định lại giá các khu đất mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra có sai phạm; thu hồi lại số tiền đã bị thất thoát từ người được hưởng mảnh đất đó.
"Giả sử bên nhận chuyển nhượng sau khi nhận chuyển nhượng nhà, đất công với giá rẻ, ưu đãi rồi tiến hành xây dự án nhà chung cư. Khi xác định việc chuyển nhượng có sai phạm thì bên nhận chuyển nhượng phải trả số tiền chênh mà họ đã được hưởng ban đầu.
Việc trả lại tiền này có thể ảnh hưởng đến người mua chung cư, khiến việc giao nhà bị chậm trễ, người dân bị mất tiền... nhưng phải chấp nhận vì không thể không xử lý sai phạm", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Trong khi đó, theo LS Trương Xuân Tám (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị, thấy chỗ nào sai phạm, sai phạm thuộc cấp nào, bộ phận nào thì cấp ấy, bộ phận ấy chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, trường hợp giao đất mà tính giá trị quyền trị quyền sử dụng đất thấp thì khác, còn trong trường hợp chuyển nhượng đất công cho các dự án, cá nhân khác, nếu bên nhận chuyển nhượng có sự móc ngoặc, tiêu cực thì cần phải xem xét, thậm chí cần khởi tố vụ án. Khi ấy mới tuyên hủy giao dịch, thu hồi lại đất hoặc thu hồi lại tiền.
Trong trường hợp vụ việc không phải là vụ án hình sự thì cũng chỉ có tòa án mới có quyền xác định hủy bỏ giao dịch mà không thể dùng mệnh lệnh hành chính để thu hồi, hủy bỏ giao dịch.
"Nếu chuyển nhượng đất công mà có lỗi chủ quan của bên bán, không phải lỗi của người mua thì người mua không phải chịu trách nhiệm nộp tiền", LS Tám chỉ rõ.
Xem thêm |