|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu mãi gia công sẽ không bao giờ lớn được'

17:04 | 20/11/2020
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, sự dịch chuyển là cơ hội nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được. Cơ hội này chỉ dành cho doanh nghiệp sẵn sàng, dám soi mình với thế giới.

Sản xuất - đòn bẩy giúp nhiều nền kinh tế "hóa rồng" 

Phiên thảo luận "Ngành sản xuất: Cơ hội nào cho tất cả" trong khuôn khổ Diễn đàn CEO Forum 2020 vừa diễn ra chiều 19/11.

Tại buổi thảo luận, ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng trong bối cảnh dịch chuyển toàn cầu, thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19, sản xuất sẽ là ngành chịu những tác động đầu tiên, sớm nhất so với ngành khác. 

Dịch chuyển sản xuất toàn cầu: Cơ hội dành cho tất cả nhưng chỉ số ít được hưởng - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên thảo luận "Ngành sản xuất: Cơ hội nào cho tất cả" trong khuôn khổ Diễn đàn CEO Forum 2020 diễn ra chiều 19/11. (Ảnh: Như Huỳnh).

Nhưng với nhiều quốc gia, sản xuất là sinh sống, căn cứ để phát triển và nói câu chuyện "hóa rồng". Điển hình như ở thập kỉ 70-80, Nhật Bản khai thác câu chuyện hậu chiến để phát triển, hóa rồng dựa trên sản xuất trước khi thành "nước Nhật của cả thế giới" và thành nhà đầu tư tài chính.

Ông Thông đề cập tiếp đến câu chuyện của 4 con rồng châu Á Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hong Kong cũng gắn với sản xuất.

Câu chuyện gần đây nhất đến từ Trung Quốc. Quốc gia này gia nhập WTO trong bối cảnh diễn ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Nhật cuối những năm 80, sau đó Nhật Bản rớt vào suy thoái kinh tế, đến ngày hôm nay lại mở ra cho Trung Quốc cơ hội đi lên cũng bằng việc sản xuất. 

Ngày nay, Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới, nước này đầu tư cả vào tài chính, thương mại điện tử và các lĩnh vực khác nhưng sản xuất vẫn là căn cứ để Trung Quốc "hóa rồng", vươn lên thành siêu cường thứ hai thế giới.

Cơ hội từ sự dịch chuyển dòng chảy

Như vậy, rõ ràng có cơ hội đến từ sự dịch chuyển dòng chảy. Với ngành sản xuất, đó thực sự là cơ hội hay chỉ là ảo ảnh?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT U&I Group, khẳng định: "Đây thực sự là cơ hội nhưng chỉ dành cho doanh nghiệp sẵn sàng và dám soi mình với thế giới".

Còn với ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đầu tư, trưởng phòng nghiên cứu, Dragon Capital, dưới góc độ quĩ đầu tư, câu trả lời là "có và không". 

Ông Tuấn phân tích có cơ hội vì doanh nghiệp hiện nay so với 10 năm trước đã rất sẵn sàng về vốn, kĩ thuật, công nghệ. Nhưng sẽ không có cơ hội nếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa theo kịp. 

"Mặc dù 10 năm qua chúng ta tiến nhanh nhưng khoảng cách so với doanh nghiệp FDI còn rất lớn. Vì thế câu trả lời của tôi về cơ hội của dịch chuyển là vừa 'có và không", ông Tuấn nói.

Làm rõ hơn về khía cạnh cơ hội, ông Tuấn chỉ ra ba cơ hội lớn nhất mà dòng chảy này mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ nhất, đó là sức ép buộc doanh nghiệp đổi mới. Cơ hội thứ hai là phát triển năng lực doanh nghiệp cũng như năng lực của nền kinh tế. Thứ ba là giúp doanh nghiệp học được kĩ năng liên quan xây dựng thương hiệu, cạnh tranh.

Ông Tuấn cho rằng việc đón nhận dòng vốn FDI tăng cao có thể sẽ là niềm vui vì tốt cho kinh tế vĩ mô, mang đến những điểm sáng cho doanh nghiệp trong nước.

Áp lực cạnh tranh - thách thức lớn khi dòng dịch chuyển đi vào Việt Nam

Đại diện của Dragon Capital cũng đề cập nhiều khó khăn phải đối mặt như doanh nghiệp phải hoạt động nhiều hơn, làm việc nhiều hơn và cạnh tranh nhiều hơn, không những thị trường trong nước mà còn cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu. 

Theo ông Lê Anh Tuấn, về thị phần sẽ thật sự quan ngại, đặc biệt là thị trường lao động. "Cạnh tranh lao động phải tăng lương, muốn giữ người tốt cũng phải tăng lương. Đó là tác động nhanh nhất có thể nhìn thấy khi dòng dịch chuyển đi vào Việt Nam".

Ông Tuấn đưa ra ví dụ như ngành dệt may, khi chuyển hóa, dịch chuyển cơ cấu sản xuất sang Việt Nam, thị phần của doanh nghiệp FDI tăng rất mạnh trong khi doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh khốc liệt, dẫn đến việc mất thị phần ngay trên sân nhà.

Dịch chuyển sản xuất toàn cầu: Cơ hội dành cho tất cả nhưng chỉ số ít được hưởng - Ảnh 2.

Các diễn giả cùng chia sẻ quan điểm xung quanh chủ đề xu hướng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam. (Ảnh: Như Huỳnh).

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng thị trường vốn manh mún, khi có sự cạnh tranh gia nhập vào, những người có khả năng bật dậy sẽ gây ra tình trạng "cá lớn ăn cá bé". Khi đó, thị trường không còn manh mún nhưng sẽ chia ra thành TOP 1, TOP 2, TOP 3... và nó có thể là rủi ro cho rất nhiều người.

Dù vậy, đại diện quĩ đầu tư Dragon Capital cũng không phủ nhận đó cũng là cơ hội đổi mới, bắt đầu có những chuỗi giá trị gia tăng, hoàn thiện sản xuất, công nghệ đối với doanh nghiệp nội địa của chúng ta.

"Chính sự cạnh tranh đó đã giúp doanh nghiệp chúng ta chuyển hóa tốt hơn, đó là điểm quan trọng cần nhìn nhận so với thách thức", ông Tuấn nhấn mạnh.

"Doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu mãi gia công thì không bao giờ lớn được"

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT U&I Group nhấn mạnh đối với doanh nghiệp trong nước, số đơn hàng vào Việt Nam sẽ nhiều hơn. Các doanh nghiệp FDI cũng cần thêm các đối tác địa phương để cùng sản xuất, hợp tác, tăng khả năng cung ứng vào những thị trường lớn thế giới. 

"Tuy nhiên số doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội đó không nhiều do sự chuẩn bị, chính sách và khát khao muốn thành công của chúng ta trong lĩnh vực sản xuất không nhiều", ông Tín nói.

Ông phân tích thêm, trước dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng hiện nay, những doanh nghiệp đã trưởng thành sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp đã tham gia vào sản xuất nhận thấy cơ hội vươn lên một bước nữa như những thế hệ trước. 

Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi rất nhiều sự dấn thân, hi sinh, nâng tầm quản trị, khả năng tiếp xúc và phải biết mình đang ở đâu.

"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất chỉ nhận gia công lại của những ông lớn. Nhưng nếu chỉ làm được như vậy, tiếp tục thân phận làm thuê, gia công thì không bao giờ lớn được. 

Muốn thực sự lớn và ngang bằng với các doanh nghiệp FDI thì chúng ta phải bước ra khỏi Việt Nam, xem các doanh nghiệp cùng nghề trên thế giới, họ đã đạt được những đẳng cấp nào. Từ đó suy nghĩ xem chúng ta cần làm gì để cùng đẳng cấp với họ. Khi đó cơ may thành công mới lớn hơn được", ông Mai Hữu Tín chia sẻ quan điểm.

Tuy nhiên, ông Tín cũng cho rằng số người có thể làm và sẵn sàng làm chuyện đó lại không nhiều bởi vì có nhiều cơ hội khác dễ làm hơn là làm sản xuất.

Như Huỳnh