Doanh nghiệp vốn FDI hoạt động ra sao trong năm 2019?
Cụ thể, tổng vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2019 là 3 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2018. Trong đó vốn góp chủ sở hữu hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018.
Giá trị tài sản cũng có sự biến động tương ứng, ghi nhận 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Trong đó, lĩnh vực hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán có tổng giá trị tài sản đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 19%. Tổng tài sản của 28 lĩnh vực khác tăng 13%, đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng.
Về quy mô sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp FDI trong năm 2019 tiếp tục tăng cao so với năm 2018.
Doanh thu của các DN này đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kì. Tổng tài sản tăng 14%, đạt hơn 7.7 triệu tỷ đồng.
Trong đó, riêng TP HCM là địa phương có quy mô doanh thu của các DN FDI lớn nhất cả nước với hơn 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 17% doanh thu của DN có vốn ĐTNN của cả nước. Theo sau đó là các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương và Hà Nội.
Nếu xét về quy mô tổng tài sản, tổng tài sản của DN có vốn FDI của TP HCM đứng đầu cả nước và cách xa các địa phương còn lại với tổng tài sản năm 2019 là 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm 23%.
Trong top 6 địa phương có quy mô doanh thu của các DN vốn FDI, TP HCM và Hà Nội tập trung chủ yếu vào các ngành thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng.
DN có vốn FDI tại 4 địa phương còn lại tập trung vào các ngành sản xuất công nghiệp như điện tử, cơ khí, sản xuất vật liệu, hóa chất, nhựa, hóa mỹ phẩm.
Xét hiệu quả kinh doanh theo vùng quốc gia, lãnh thổ thì Hàn Quốc vẫn là doanh nghiệp đứng đầu với tổng doanh thu là 2,5 triệu tỷ đồng. Theo sau lần lượt là Nhật bản, Singapore, Đài Loan.