Doanh nghiệp Việt Nam ít thuê kiểm toán Big 4 dù độ tin cậy cao
SCIC, PVN, EVN, Agribank, PG Bank vào tầm ngắm kiểm toán 2018 | |
Kiểm toán Nhà nước: Nhiều khoản thu, chi ở Tổng cục Thể dục Thể thao trái quy định |
TheLEADER đã có buổi phỏng vấn ông Đàm Xuân Lâm, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán, Công ty TNHH KPMG Việt Nam về nhu cầu tiếp cận dịch vụ kiểm toán Big 4 của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thông tin ngày càng được yêu cầu minh bạch.
Việt Nam gần đây đã có những cải thiện đáng kể về khuôn khổ pháp lý đối với báo cáo tài chính (BCTC) doanh nghiệp, tuy nhiên các BCTC vẫn được lập và trình bày theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, dù đã được kiểm toán nhưng chất lượng vẫn chưa cao, theo ông nguyên nhân là gì?
Ông Đàm Xuân Lâm:Theo tôi, một số nguyên nhân chính là vấn đề quản trị công ty tại các doanh nghiệp còn yếu, chưa có các quy định đầy đủ theo thông lệ quốc tế; nhu cầu của hầu hết các cổ đông đối với các BCTC còn thấp; việc ghi nhận và trình bày thông tin tài chính theo các hướng dẫn đặc thù riêng cho một số doanh nghiệp nhà nước; việc các cơ quan quản lý nhà nước còn chưa chú trọng giám sát tuân thủ chuẩn mực và quy định đạo đức nghề nghiệp trên diện rộng hay năng lực còn hạn chế của đội ngũ kế toán viên và kiểm toán trong nước.
Những điều này dẫn đến việc BCTC mặc dù được lập và trình bày theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và đã được kiểm toán nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực kế toán quốc tế. Do đó, tạo thành quan điểm chung của người sử dụng báo cáo tài chính là các báo cáo do các công ty thành viên của các hãng kiểm toán nước ngoài lớn thì có chất lượng cao hơn.
Ông Đàm Xuân Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam |
Thưa ông, có ý kiến cho rằng gian lận báo cáo tài chính tỷ lệ thuận với quy mô thị trường. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này và giải pháp cho vấn đề này theo ông là gì?
Ông Đàm Xuân Lâm: Ngay cả các quốc gia phát triển, việc xảy ra các vụ gian lận báo cáo tài chính là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã chứng kiến nhiều vụ gian lận BCTC bởi những năm gần đây việc công bố BCTC được yêu cầu minh bạch hơn và quá trình giám sát cũng chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, theo tôi mức độ minh bạch đã được nâng cao trong vài năm vừa qua. So sánh với cách đây chục năm thì BCTC đã cung cấp thêm rất nhiều thông tin, theo quy định thông tư 200, hướng dẫn rất cụ thể đã khiến BCTC có chất lượng và tính minh bạch cao hơn. Khi các cơ quan nhà nước làm quyết liệt hơn thì doanh nghiệp sẽ buộc phải minh bạch hơn.
Như vậy, để tăng cường minh bạch, chúng ta cần sự tham gia của các bên liên quan. Doanh nghiệp cần phải thấy rằng việc minh bạch BCTC là nhu cầu cấp thiết không chỉ có lợi cho họ mà còn cho những người sử dụng BCTC như cổ đông, các nhà đầu tư tiềm năng.
Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cũng nên có quy định cụ thể về quy tắc công bố BCTC và chế tài xử phạt, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan kiểm toán.
Khi Việt Nam áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS), tính minh bạch của hệ thống BCTC sẽ được nâng cao. Tuy nhiên, bản thân các yêu cầu của IFRS khá phức tạp, hệ thống này yêu cầu bộ phận lập BCTC phải thật am hiểu và có kiến thức sâu, bên cạnh đó, những người quản lý cũng cần có hiểu biết để giám sát trong giai đoạn báo cáo được lập, tiếp đó là kiểm toán viên, các nhà đầu tư, trong đó đặc biệt là các nhà đầu tư riêng lẻ - những người thậm chí còn không quan tâm đến BCTC.
Hiện nay, tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, chỉ có khoảng 35% các doanh nghiệp niêm yết được kiểm toán bởi nhóm 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (Big 4), trong khi đó tại sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, với tỷ lệ này chỉ khoảng 16%. Trong khi theo quan điểm chung, kết quả và quy trình kiểm toán của Big 4 là uy tín hơn. Nguyên nhân đằng sau thực trạng này là gì, thưa ông?
Ông Đàm Xuân Lâm: Đúng là tỷ lệ này ở Việt Nam khá là thấp, bởi vì có những thị trường, số lượng khách hàng doanh nghiệp do Big 4 tiến hành kiểm toán chiếm đến hơn 60%.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải thừa nhận rằng mỗi doanh nghiệp đều có nhu cầu khác nhau, không phải tất cả các trường hợp nếu không phải là kiểm toán của Big 4 thì không tốt. Lãnh đạo của các doanh nghiệp nhỏ thường không lựa chọn kiểm toán Big 4 vì quan ngại về mức phí kiểm toán. Kết quả là chỉ có các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp cần tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế mới sử dụng dịch vụ của nhóm.
Tôi cũng phải nhấn mạnh rằng báo cáo kiểm toán của Big 4 sẽ có độ tin cậy cao hơn, thậm chí mang lại một lợi ích vô hình cho doanh nghiệp. Mọi người có thể không thấy được rằng kiểm toán Big 4 mang lại cho họ bao nhiêu lợi nhuận, tuy nhiên, nếu tính đến về lâu về dài, các nhà đầu tư thường đánh giá cao và đặt nhiều niềm tin hơn vào những doanh nghiệp đã được kiểm toán bởi Big 4 từ lâu.
Vậy theo ông, nhu cầu kiểm toán độc lập, đặc biệt với nhóm Big4, của các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai là như thế nào?
Ông Đàm Xuân Lâm: Chắc chắn là nền kinh tế thị trường sẽ yêu cầu các doanh nghiệp minh bạch hơn từ nhiều phía, trong đó BCTC sẽ phải được thực hiện minh bạch và đầy đủ hơn nữa.
Sự phát triển dịch vụ kiểm toán chắc chắn sẽ lớn hơn trong tương lai, tuy nhiên nhu cầu đối với kiểm toán Big 4 còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như chất lượng của kiểm toán viên và số lượng công ty kiểm toán độc lập trên thị trường được Ủy ban Chứng khoán chấp nhận có đủ hay không.
Bên cạnh đó, các cơ chế luật phát ở Việt Nam cần được nâng cao hơn, trong khi quy định thì khá nhiều nhưng việc áp dụng và xử phạt không được triệt để và chưa hiệu quả, nhiều doanh nghiệp còn chấp nhận trả các khoản phạt nhỏ để mang lợi ích lớn hơn cho một nhóm các cổ đông lớn. Về cơ bản các doanh nghiệp và các nhà đầu tư cần nâng cao trình độ của mình để kết nối được tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!