|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp Việt chạy đua xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc

15:07 | 12/11/2020
Chia sẻ
Cho tới thời điểm này, đã có hơn 130 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tích cực xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 10 tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đạt 385,9 triệu USD, giảm 20,6% so với cùng năm ngoái. 

Cho dù, giá trị giảm nhưng tỉ trọng xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới 34,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra và năm nay số lượng doanh nghiệp cá tra tham gia vào thị trường này cũng đông đảo nhất.

Cho tới thời điểm này, đã có hơn 130 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tích cực xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. 

Trong đó, ba doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang thị trường này là Công ty CP Thủy sản Trường Giang (TG FISHERY); Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI CORP) và Công ty Cổ phần Gò Đàng (GODACO).

Năm nay, Trung Quốc – Hồng Kông vẫn tiếp tục được đánh giá là thị trường nhập khẩu đa dạng nhất các sản phẩm cá tra từ Việt Nam như cá tra phile đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá chiên/khô/sấy, cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh, bụng cá tra đông lạnh,…

Kể từ cuối quí III/2020, tình hình nhập khẩu cá tra ở một số thị trường lớn đã tích cực trở lại, trong đó một trong những nguyên nhân chính từ thị trường Trung Quốc - Hồng Kông. Nhờ vậy cũng một phần thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng. 

Cho tới nay, giá cá tra cỡ 0,7 - 0,8 kg/con tại Đồng Tháp dao động từ 22.000 – 23.000 đồng/kg, tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg so với cùng năm trước.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tình hình COVID-19 bên Trung Quốc tương đối ổn, các hoạt động nhà hàng trở lại, nhu cầu tăng trở lại.

"Thị trường Trung Quốc rất lớn. Tuy nhiên, hiện thị trường vẫn chỉ mua dần dần chứ chưa mua ào ạt. Nhưng nếu tình hình này kéo dài thì đây sẽ là tín hiệu rất tốt đối với ngành cá tra", ông Quốc cho biết.

Do ảnh hưởng của đại dịch, sản lượng cá rô phi và sản phẩm cá thịt trắng khác của Trung Quốc bị dồn lại thị trường nội địa do xuất khẩu bị gián đoạn và ảnh hưởng. 

Hoạt động sản xuất, nuôi trồng cá nước ngọt của Trung Quốc trong ba quí đầu năm nay cũng không ngoại lệ. Điều này cũng là một nguyên nhân chính dẫn tới việc nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc giảm hơn nhiều so với các năm khác.

Theo đánh giá của Tập đoàn Evergreen, năm 2020, sản lượng cá tra nuôi của Trung Quốc cũng có thể bị giảm gần một nửa từ 32.000 tấn xuống còn khoảng 18.000 tấn do sản lượng cá thịt trắng trong nước lớn, nuôi trồng cũng bị ảnh hưởng.

Sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ bị đánh thuế cao khiến cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quay lại thị trường nội địa, đồng thời lên kế hoạch tăng cường hoạt động nuôi trồng cá tra tại một số địa phương có diện tích nuôi cá rô phi lớn. 

Tuy nhiên, cho tới nay, chất lượng cá tra Trung Quốc vẫn chưa thể đạt được yêu cầu của khách hàng nước này do thịt vàng, cá bột khó sinh trưởng trong môi trường với nhiệt độ lạnh. Do đó, cá tra Việt Nam vẫn đang chiếm lĩnh và có ưu thế tại thị trường này.

H.Mĩ

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.