Doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin, mất tiền là mất một…
Từ câu chuyện CDO
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm tới nay, có 49 doanh nghiệp đại chúng bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định công bố thông tin. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với CTCP Tư vấn thiết kế và phát triển đô thị (CDO), mức phạt là 200 triệu đồng.
Cụ thể, UBCK phạt CDO 100 triệu đồng do không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và của Công ty hoặc công bố chậm so với quy định hàng loạt thông tin quan trọng như: giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp; thông báo mời họp và tài liệu đại hội đồng cổ đông, báo cáo tài chính quý; báo cáo thường niên, nghị quyết hội đồng quản trị, báo cáo tình hình quản trị…
Ngoài ra, UBCK cũng xử phạt CDO 100 triệu đồng do có hành vi công bố thông tin không chính xác.
Cụ thể, tại Báo cáo tình hình quản trị công ty niêm yết 6 tháng đầu năm 2016 và Báo cáo tình hình quản trị công ty niêm yết năm 2016 của Công ty có nội dung: không có giao dịch với các công ty mà người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành.
Tuy nhiên, theo hồ sơ, tài liệu do Công ty cung cấp, trong năm 2016 Công ty có phát sinh giao dịch với CTCP Thương mại dịch vụ tổng hợp Hai Bà Trưng, CTCP Lương thực Hồng Hà, Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hoàng Chung, CTCP Đầu tư và phát triển năng lượng là các công ty có thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc là người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, thành viên Ban Kiểm soát của CDO.
Danh sách liệt kê các lỗi vi phạm của CDO dài hơn 2 trang giấy A4. Đáng chú ý, các hành vi này lặp lại nhiều lần từ năm 2015 tới nay.
Nhìn lại hoạt động của CDO kể từ khi lên niêm yết (năm 2015) tới nay, đã không ít lần doanh nghiệp này dính “tai tiếng” về vi phạm công bố thông tin. Giữa năm 2015, một thành viên HĐQT và hai cá nhân có liên quan đến Kế toán trưởng đã bán "chui" cổ phiếu.
Dù các thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin tài chính của doanh nghiệp rất mù mờ, nhưng cổ phiếu CDO có thời điểm lên tới mức trên 33.000 đồng/CP (vào đầu tháng 11/2016). Từ đó đến nay, cổ phiếu này liên tục lao dốc, hiện đã về mức quanh 3.000 đồng/CP.
Đà giảm của cổ phiếu này bắt đầu khi thị trường râm ran tin đồn ông Vũ Đình Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty bị bắt. Nhưng sau đó, ông Nhân đã xuất hiện và giải thích ông vừa tham gia một khóa học quản lý cao cấp tại Mỹ trong 3 tháng.
Theo CDO, lĩnh vực khởi nguồn của Công ty là tư vấn thiết kế. Tuy nhiên, hoạt động này trong các năm qua không đạt hiệu quả như mong muốn. Trong năm 2016, áp lực cạnh tranh đã khiến đội ngũ kỹ sư chuyên gia của CDO giảm sút đáng kể. Năm 2017, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 80 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4 tỷ đồng, lần lượt giảm mạnh so với năm 2016 là 48% và 82%.
Gần 50 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với doanh nghiệp đại chúng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành từ đầu năm tới nay. |
Đến câu chuyện minh bạch trên TTCK
Thực tế, câu chuyện của CDO không phải quá hiếm trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bước sang tuổi 18, thị trường chứng khoán trong nước đã có những bước tiến lớn về chất và lượng, nhưng câu chuyện minh bạch thông tin vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Trên thị trường, có nhiều doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ công bố thông tin, tổ chức các buổi họp nhà đầu tư định kỳ hàng quý, nhưng cũng còn không ít doanh nghiệp vi phạm quy định công bố thông tin, mà con số 50 doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính trong hơn 5 tháng đầu năm là một minh chứng.
Trong khi đó, những thông tin doanh nghiệp đại chúng, niêm yết phải công bố theo luật định mới chỉ là những thông tin tối thiếu mà nhà đầu tư cần được biết.
Theo một chuyên gia chứng khoán có nhiều năm kinh nghiệm, những chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định công bố thông tin chỉ là một trong những công cụ bảo vệ nhà đầu tư.
Trong một số trường hợp, việc vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin không phải do doanh nghiệp cố ý, nhưng không ngoại trừ nhiều trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp cố tình vi phạm để trục lợi.
Vì vậy, nhà đầu tư cần phải có ý thức tự bảo vệ mình bằng việc xem xét đầu tư vào những mã cổ phiếu mà doanh nghiệp có lịch sử tuân thủ tốt nghĩa vụ công bố thông tin, có văn hóa minh bạch.
Vị chuyên gia này cho rằng, với doanh nghiệp vi phạm, khoản tiền phạt có thể chỉ là nhỏ so với các khoản thu tiền tỷ, nhưng “mất tiền là mất một, mất uy tín mới là mất mười”.
Tại nhiều hội thảo tổ chức có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, họ đã đưa ra khuyến nghị, doanh nghiệp Việt không nên xem công bố thông tin đơn thuần là việc tuân thủ pháp luật, mà cần xem đó như một hành động thể hiện trách nhiệm của mình đối với nhà đầu tư, cổ đông, những người góp vốn, song hành cùng hoạt động của doanh nghiệp.