|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp tôn thép gặp khó khi xuất khẩu sang Indonesia

19:59 | 17/06/2017
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp tôn thép trong nước cho rằng, quyết định của Indonesia nhằm hạn chế nhập khẩu sắt thép gây ra những bất hợp lý và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu vào Indonesia.
doanh nghiep ton thep gap kho khi xuat khau sang indonesia

Doanh nghiệp tôn thép gặp khó khi xuất khẩu sang Indonesia. Ảnh minh họa: ETW International

Quyết định 82/M-DAG/PER/12/2016 của Indonesia nhằm hạn chế nhập khẩu sắt thép vào nuớc này đã áp dụng được nửa năm. Nhiều doanh nghiệp tôn thép trong nước cho rằng, quyết định này gây ra những bất hợp lý và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu vào Indonesia.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, ông Trần Ngọc Chu, quyết định này quy định việc nhập khẩu sắt thép vào Indonesia phải tiến hành theo 4 bước. Theo đó, nhà nhập khẩu phải xin giấy phép chứng nhận về kỹ thuật từ Bộ Công nghiệp Indonesia; từ đó, Bộ Công nghiệp Indonesia sẽ cấp cho mỗi nhà nhập khẩu một hạn mức nhập khẩu.

Nhà nhập khẩu phải nộp hồ sơ cho Bộ Thương mại Indonesia được phê duyệt hạn mức nhập khẩu và nhận được giấy phép.

Sau khi nhận được giấy phép nhập khẩu, hàng nhập khẩu phải được kiểm định từ nước xuất khẩu bởi một số tổ chức được chỉ định. Ở Việt Nam, tổ chức kiểm định là Bureau Veritas và mới nhất là Vinacontrol.

Theo đó, việc chấp hành các thủ tục này sẽ khiến các nhà nhập khẩu thương mại từ Inđonesia gặp khó khăn khi xin hạn mức nhập khẩu. Thực tế, các nhà nhập khẩu này chỉ xin được 20-30% hạn mức mong muốn và thời gian được cấp lại kéo dài.

Đối với hoạt động của Tập đoàn Hoa Sen sang Indonesia, ông Trần Ngọc Chu cho hay, Quyết định 82 này đã gây khó khăn gián tiếp cho Hoa Sen do hạn mức nhập khẩu được cấp hạn chế, không đủ nhu cầu sử dụng của khách hàng; khách hàng phải sử dụng hết 80% hạn mức cũ thì mới có thể xin tiếp hạn mức nhập khẩu mới.

Ngoài ra, chi phí bán hàng và mua hàng từ phía đối tác Indonesia cũng tăng do Tập đoàn phải chịu thêm chi phí kiểm định tại Việt Nam. “Do vậy, để thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu đối với doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam, Cục Quản lý Cạnh tranh cần hỗ trợ làm việc với Bộ Thương mại Indonesia để đề nghị huỷ bỏ quyết định này”, Tổng Giám đốc Trần Ngọc Chu kiến nghị.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á cũng cho rằng, quyết định này làm việc xuất hàng từ Việt Nam hay từ Đài Loan (Trung Quốc) vào Indonesia trở nên phức tạp, chi phí bán hàng tăng cao do phát sinh các công đoạn không cần thiết.

Theo ông Trung, hiện Indonesia đã có hệ thống quản lý chất lượng (rào cản kỹ thuật) SNI của riêng họ và các nhà sản xuất như Tôn Đông Á đều phải trả chi phí mời các đơn vị từ Indonesia về nhà máy thực hiện kiểm soát chất lượng hàng năm.

Các nhà máy đều đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được cấp chứng nhận SNI để xuất hàng sang Indonesia. Khi hàng cập cảng cũng được kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn trước khi cho nhà nhập khẩu lấy hàng. Các nhà máy muốn xuất khẩu vào Indonesia cũng phải làm thêm một công đoạn tiền kiểm chất lượng.

Công đoạn này được thầu bởi các đơn vị được chỉ định bởi Indonesia như Bureau Veritas, Vinacontrol... và các đơn vị này cử người kiểm soát tới nhà máy khi đang đóng hàng xuất vào Indonesia.

Công đoạn này làm cho việc đóng hàng mất thời gian và lãng phí, bởi các đơn vị giám định cũng không nắm rõ là cần kiểm tra những gì. Bên cạnh đó, Quyết định 82 cũng đưa thêm một số sản phẩm vào danh mục sản phẩm sắt thép cấm nhập khẩu vào Indonesia. Nhưng đến nay vẫn chưa rõ mặt hàng thép nào sẽ cấm nhập khẩu theo như Quyết định.

Với những khó khăn trên, Ông Nguyễn Thanh Trung cũng kiến nghị: “Hi vọng Cục Quản lý Cạnh tranh có những giải pháp ứng phó kịp thời và thông tin những danh mục sản phẩm thép cấm nhập khẩu vào Indonesia. Việc phía Indonesia đưa ra Quyết định 82 gây cản trở, tạo nhiều thủ tục dư thừa sẽ rất khó khăn cho việc giao thương hai nước”.

Về phía Hiệp hội Thép Việt Nam, đại diện Hiệp hội cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục tổng hợp những tác động của Quyết định 82 tới việc xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp sang thị trường Indonesia.

Đây sẽ là thông tin, căn cứ để cơ quan nhà nước có chương trình hành động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Quyết định 82 được Indonesia ban hành nhằm hạn chế nhập khẩu sắt thép vào Indonesia, được áp dụng từ đầu năm 2017 cho tôn kẽm và từ ngày 28/2/2017 cho tất cả các mặt hàng sắt thép khác. Mục đích của việc ban hành quyết định là buộc các nhà nhập khẩu cắt giảm một phần sản lượng nhập khẩu và chuyển qua mua từ các nhà máy nội địa...

Đức Dũng