|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cần thận trọng tăng công suất, tránh đầu tư ồ ạt và phụ thuộc một thị trường duy nhất

17:41 | 14/05/2020
Chia sẻ
Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các qui định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ và thận trọng trong việc tăng công suất, tránh đầu tư ồ ạt.

Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 3/2020, đã có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chiếm tỉ lệ 12,6% tổng số các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. 

Các nước thường xuyên điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM với hàng hóa của Việt Nam gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kì....

Theo Bộ Công Thương hiện thương mại quốc tế đang có những diễn biến hết sức phức tạp, số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều lên, nhất là đối với một số sản phẩm đang trong tình trạng dư thừa công suất trên toàn cầu.

Theo đó Bộ đã tham mưu với Thủ tướng ban hành Quyết định số 824 phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lí Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lí nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Sau khi Đề án được ban hành, Bộ Công Thương đã xây dựng và thường xuyên cập nhật Danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp PVTM gửi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp theo dõi; phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm.

Đối với công tác xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22 qui định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ gán vào Việt Nam để tái xuất Mỹ và Thông tư số 27 qui định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu. 

Bộ Công Thương hiện đang phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về phương án xây dựng văn bản qui định về sản xuất tại Việt Nam.

Bộ Tài chính cũng đang tiến hành sửa đổi dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 127 và Nghị định số 45 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 127 qui định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan trong đó có nội dung về xử phạt các hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.

Đối với công tác ngăn chặn và xử nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt các mặt hàng nhạy cảm. 

Các đơn vị chức năng của Bộ đã thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa tại một số doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu được xác định xuất xứ theo tiêu chí cộng gộp.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đã yêu cầu các đơn vị hải quan, đặc biệt là hải quan địa phương tăng cường kiểm tra, xác định vi phạm xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có mặt hàng có rủi ro cao.

Đồng thời thực hiện kiểm tra ngay doanh nghiệp khi có dấu hiệu giao dịch xuất nhập khẩu tăng đột biến đối với những mặt hàng thuộc đối tượng nghi ngờ; xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, danh sách đã được cập nhật vào tháng 4/2020 với 12 mặt hàng có nguy cơ cao để các cơ quan quản có thể dựa vào đó tiến hành các nhiệm vụ cần thiết để xử vấn đề gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành liên quan để cập nhật, chỉnh sửa Danh sách theo hướng tập trung hơn nữa vào nhóm sản phẩm có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các qui định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ.

Ngoài ra phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lí khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và PVTM tại một số thị trường nhập khẩu.

Đồng thời cần thận trọng trong việc tăng công suất, tránh đầu tư ồ ạt, đặc biệt là đầu tư để phục vụ xuất khẩu, tránh để tăng trưởng chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu sang một thị trường duy nhất.

Như Huỳnh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.