Doanh nghiệp Thái thích mở rộng làm ăn ở Việt Nam nhất Đông Nam Á
"Khảo sát doanh nghiệp tại ASEAN" do HSBC vừa công bố cho biết ở hầu hết thị trường Đông Nam Á, hơn nửa công ty tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn chọn Việt Nam là thị trường mới để mở rộng kinh doanh.
Khảo sát được nhà băng này thực hiện ở 6 thị trường lớn nhất bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam trên 600 doanh nghiệp có doanh thu hàng năm ít nhất 150 triệu USD.
Kết quả, top 3 doanh nghiệp láng giềng hào hứng mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhất là Thái Lan (66%), Malaysia (58%) và Indonesia (55%). Thái Lan cũng nằm trong top 3 các doanh nghiệp tự tin về khả năng phát triển kinh doanh tại Việt Nam ở mức 93%, đứng sau doanh nghiệp sở tại (98%) và Singapore (94%).
"Thái Lan tiếp tục là quốc gia có đóng góp rất lớn cho câu chuyện FDI của Việt Nam", ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC Việt Nam nhận định.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến cuối quý I/2024, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 9 vào Việt Nam, rót tổng cộng hơn 14 tỷ USD, cao hơn Malaysia gần một tỷ USD. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất, rót 77 tỷ USD, là đối tác lớn thứ 2. Các láng giềng khác như Indonesia, Philippines đã đầu tư hơn 600 triệu USD mỗi nước vào Việt Nam đến cuối năm ngoái.
Từ năm ngoái đến nay, các nhà đầu tư Thái Lan liên tục công bố các kế hoạch hàng trăm đến tỷ USD để củng cố hoạt động ở Việt Nam. Tháng 8/2023, Kasikornbank (KBank) - ngân hàng lớn nhì Thái Lan công bố ý định rót hơn một tỷ USD vào Việt Nam đến 2027.
Mới hồi cuối tháng 2, ngân hàng lớn thứ tư Thái Lan là The Siam Commercial Bank Public Company (SCB) cho biết sẽ mua lại toàn bộ vốn góp tại Home Credit Việt Nam, với giá khoảng 800 triệu euro.
Ở mảng sản xuất, SCG xác nhận đã khởi động vận hành Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (LSP) và đang trong giai đoạn thử nghiệm máy móc. Tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên của Việt Nam này đặt mục tiêu sản xuất 1,35 triệu tấn olefin và 1,4 triệu tấn polyolefin hàng năm, cung cấp nguyên liệu cho ngành nhựa.
Không chỉ Thái Lan, các doanh nghiệp tại Đông Nam Á nhìn chung đang có xu hướng ưu tiên chọn láng giềng để mở rộng kinh doanh do thuận lợi về địa lý, tương đồng về văn hóa. Trong năm nay, khảo sát HSBC cho biết 87% muốn đầu tư nội khối so với 69% ngoài khối. Đồng thời, 67% cho rằng thương mại nội khối sẽ khởi sắc, hơn gấp đôi với tỷ lệ lạc quan về thương mại ngoại khối.
Trong cơ hội đón dòng chảy vốn FDI nội khối, Việt Nam hấp dẫn các đối tác láng giềng nhờ sở hữu 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường tiêu dùng tăng trưởng mạnh và nền kinh tế số tăng trưởng.
Năm ngoái, Việt Nam thu hút 36,61 tỷ USD FDI, tăng hơn 32% so với 2023 và cao kỷ lục trong giai đoạn 2018-2023. "Trong một năm đầy thách thức đối với kinh tế toàn cầu, con số này tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách là một trung tâm sản xuất", ông Ahmed Yeganeh nhận xét.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng bên cạnh cơ sở hạ tầng thì sự tụt hậu về năng suất lao động so với các thị trường Đông Nam Á khác là điều các nhà đầu tư quan tâm khi nhìn đến Việt Nam. "Trong những việc hàng đầu mà Việt Nam cần làm để tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng là cải thiện năng suất lao động, đòi hỏi phải đầu tư vào con người và công nghệ", ông Ahmed Yeganeh nhận định.