Doanh nghiệp phản ứng trước đề xuất siết chặt lĩnh vực thương mại điện tử của Ấn Độ
Các nguồn tin cho biết nhiều giám đốc điều hành đã bày tỏ sự lo ngại và mơ hồ về những quy định mới đang được đề xuất tại Ấn Độ và yêu cầu gia hạn thời hạn nộp ý kiến vào ngày 6/7 tới.
Các quy tắc cứng rắn được đề xuất đối với lĩnh vực thương mại điện tử được công bố vào ngày 21/6 với mục đích tăng cường bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, những quy tắc này lại khiến các nhà bán lẻ trực tuyến của Ấn Độ, đặc biệt là hai tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực này là Amazon và Flipkart thuộc sở hữu của Walmart, lo lắng.
Các quy tắc mới, bao gồm việc hạn chế các hình thức giảm giá để bán hàng chớp nhoáng, cấm quảng cáo gây hiểu lầm và yêu cầu xây dựng hệ thống khiếu nại cùng nhiều đề xuất khác, có thể buộc Amazon và Flipkart phải xem xét lại cấu trúc kinh doanh của họ, đồng thời cũng có thể làm gia tăng chi phí hoạt động của các công ty trong nước, bao gồm cả JioMart, BigBasket và Snapdeal.
Amazon lập luận rằng COVID-19 đã "tấn công" các doanh nghiệp nhỏ và những đề xuất mới sẽ tác động rất lớn đến người bán hàng của họ. Trong khi đó, một số điều khoản đã được quy định trong luật hiện hành.
Ngoài ra, các đề xuất nêu rõ công ty thương mại điện tử phải đảm bảo không có doanh nghiệp nào có liên quan đến những công ty này được liệt kê là người bán trên trang web của họ. Điều này sẽ tác động lớn đến Amazon, bởi công ty này đang gián tiếp nắm giữ cổ phần của ít nhất hai "người bán" trên trang web của họ là Cloudtail và Appario.
Đồng quan điểm này, một đại diện của Tata Sons, công ty mẹ của tập đoàn Tata với giá trị 100 tỷ USD của Ấn Độ, lập luận rằng nếu đề xuất này được thông qua, họ sẽ phải ngừng cho phép Starbucks - công ty có liên doanh với Tata ở Ấn Độ - cung cấp các sản phẩm của mình trên trang web của Tata.
Giám đốc điều hành Tata cho biết quy tắc mới sẽ tạo ra sự phân chia đối với các tập đoàn và có thể hạn chế doanh số bán hàng của các thương hiệu trực thuộc.
Các nguồn tin cho rằng một quan chức Ấn Độ đã lập luận rằng các quy tắc được đưa ra nhằm bảo vệ người tiêu dùng và sẽ không nghiêm ngặt như quy định ở các quốc gia khác.
Tại Ấn Độ, các quy tắc được công bố vào tháng trước giữa bối cảnh ngày càng có nhiều lời phàn nàn từ các nhà bán lẻ truyền thống của Ấn Độ rằng Amazon và Flipkart đã lách luật đầu tư nước ngoài bằng cách sử dụng các cấu trúc kinh doanh phức tạp. Tuy nhiên, cả hai công ty đã từ chối cáo buộc này.