|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp phân bón mất hàng nghìn tỉ đồng vì…một luật

07:34 | 29/09/2016
Chia sẻ
Tưởng chừng việc đưa phân bón vào danh sách hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng thì nông dân sẽ được lợi do giá bán tới tay nông dân sẽ giảm xuống. Nhưng thực tế, “được” miễn thuế nhưng doanh nghiệp đang thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng và nông dân phải mua phân bón với giá cao hơn trước.
doanh nghiep phan bon mat hang nghin ti dong vi mot luat
Lập lại thị trường phân bón. Ảnh: Trúc DIễm.

Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) có hiệu lực từ 1-1-2015.

Tưởng chừng việc đưa phân bón vào danh sách hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng thì nông dân sẽ được lợi do giá bán tới tay nông dân sẽ giảm xuống. Nhưng thực tế, “được” miễn thuế nhưng doanh nghiệp đang thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng và nông dân phải mua phân bón với giá cao hơn trước.

Tuy nhiên, do được miễn thuế VAT chứ không phải giảm thuế xuống 0% nên doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn phải đóng thuế đầu vào mà lại không được khấu trừ đầu ra.

Điều này một mặt đã tác động lớn đến chi phí đầu tư, sản xuất phân bón, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa, mặt khác lại góp phần làm cho phân bón nhập khẩu rẻ hơn, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước.

Tại hội thảo "Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam" diễn ra ngày 28-9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, cho hay các doanh nghiệp thu mua đầu vào các loại nguyên liệu, hàng hóa, máy móc, vận chuyển, vật tư, chi phí lao động và xây dựng nhà xưởng… không có tên phân bón nên thuế VAT đầu vào không được khấu trừ.

“Bình quân 6,5%-7% thuế VAT không được khấu trừ này, doanh nghiệp sản xuất phân bón buộc phải cộng vào giá thành sản xuất làm đội giá phân bón lên cao hơn khi đến tay người nông dân. Do đó, việc giảm thuế VAT 5% theo Luật 71 cho nông dân chỉ có ý nghĩa chính trị hình thức”, ông Thúy nói.

Trong khi nông dân không được hưởng lợi thì những hệ lụy của Luật 71 đã tác động lớn đến ngành sản xuất phân bón trong nước khi phân bón nhập khẩu nước ngoài tràn vào Việt Nam. Ví dụ, từ khi Luật 71 có hiệu lực từ đầu năm 2015, nhập khẩu ure năm 2015 tăng lên 652.000 tấn, gấp 3 lần so với năm 2014. Trong 7 tháng đầu năm 2016 lượng ure nhập khẩu đạt gần 360.000 tấn, hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Điều này đã làm cho nhiều nhà máy sản xuất trong nước phải giảm công suất tối đa như Đạm Ninh Bình. Công ty này đã phải giảm công suất từ 550.000 tấn xuống 150.000 tấn mà vẫn không bán được. Chỉ tính riêng Đạm Ninh Bình, thiệt hại năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 lên tới con số 2.042 tỉ đồng, trong đó có thiệt hại do Luật 71.

Công ty Super Phosphat Lâm Thao trước đây mỗi ngày bán 3.000 tấn thì nay bán chỉ còn được 2.000 tấn; Công ty phân đạm Hà Bắc có công suất 550.000 tấn đã phải giảm công suất xuống 40%, giá ure bán ra giảm 20%. Thiệt hại cho hai công ty trên kể từ khi có Luật 71 là 889 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty DAP Đình Vũ cũng thiệt hại 120 tỉ đồng, Công ty DAP Lào Cai thiệt hại 125 tỉ đồng… Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn tới thiệt hại do giảm công suất như thị trường phân bón thế giới thừa cung, cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu khi có các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt với các nước có nguồn nguyên liệu khí tự nhiên dùng làm phân bón… nhưng các doanh nghiệp đều cho rằng Luật 71 đã đẩy các doanh nghiệp đã khó càng khó khăn hơn.

Thậm chí, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đại diện cho gần 70 triệu nông dân, cũng có công văn số 1894/CV ngày 3-8-2016 gửi Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị xem xét điều chỉnh bổ sung Luật 71 về thuế VAT đối với mặt hàng phân bón theo hướng có lợi cho nông dân.

Ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Cà Mau, cho hay 10 năm trở lại đây ngành phân bón trong nước gặp rất nhiều khó khăn do nguồn cung phân bón thế giới dư thừa, cạnh tranh khốc liệt với phân bón nhập khẩu, đặc biệt sau khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA ) có hiệu lực năm 2015 khiến nhập khẩu phân bón tăng mạnh từ những nước có nguồn tài nguyên khí đốt như Trung Đông…

Ngoài ra, đầu năm 2015 Luật 71 có hiệu lực đã làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên rất mạnh. Riêng đối với đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ do ông Tiến quản lý thì trong năm 2015, tiền thuế VAT không được khấu trừ thuế đầu vào so với năm trước khoảng 550 tỉ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm, con số này cũng lên khoảng 300 tỉ đồng

“Đây là một con số rất lớn với chúng tôi trong bối cảnh tình hình sản xuất đang rất khó khăn.”, ông Tiến nói.

Hiệp hội phân bón Việt Nam kiến nghị Chính phủ và Quốc hội sửa đổi Luật 71 cho phù hợp với thực tế, kịp thời bù đắp thiệt hại của doanh nghiệp và nông dân.

Theo Trúc Diễm

TBKTSG