Doanh nghiệp nhà nước: Gia tăng nợ nần, lợi nhuận giảm
Tổng Cty Cơ khí Xây dựng (Coma) có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vượt 10,63 lần, hết năm 2015 vẫn lỗ lũy kết 108 tỷ đồng.
Vẫn tăng rót vốn
Theo Bộ Tài chính, đến hết năm 2015, cả nước có 652 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 230 DN nhà nước có cổ phần. Chỉ tính các DN nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng (tăng 1% so với năm 2014), trong đó vốn chủ sở hữu hơn 1,376 triệu tỷ đồng (tăng 8%). Tuy vậy, tổng doanh thu của các DN chỉ đạt hơn 1,588 triệu tỷ đồng (tương đương năm 2014). Đáng chú ý, dù 7 tập đoàn nhà nước chiếm tới 65,5% tổng vốn chủ sở hữu, nhưng chỉ đem lại doanh thu 960.795 tỷ đồng (giảm 3% so với năm 2014).
Một số DN có doanh thu giảm mạnh, như Tổng Cty Bến Thành giảm 67%; Tổng Cty Cơ khí Xây dựng giảm 29%; Tổng Cty Địa ốc Sài Gòn giảm 29%; Tổng Cty Thương mại Hà Nội giảm 21%... Lợi nhuận trước thuế của các DNNN cũng giảm tới 11% so với năm trước, trong đó 7 tập đoàn lợi nhuận giảm 20%; các tổng công ty giảm 14% và công ty mẹ - con giảm 17%.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của DNNN năm 2015 giảm 5% so với năm trước đó (chỉ đạt hơn 246.000 tỷ đồng). Trong đó, các tập đoàn nộp ngân sách nhà nước giảm 12%, các tổng công ty giảm 17%... Điều này, tiếp tục kéo sang năm 2016, khi các khoản nộp ngân sách nhà nước của DNNN tiếp tục giảm so với năm 2015.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết ngành thuế năm 2016, Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, năm 2016, đóng góp của các DNNN vào ngân sách giảm gần 9.000 tỷ đồng so với năm 2015; so với dự toán Quốc hội giao giảm 19.000 tỷ đồng (giảm 9%). “Qua số thu ngân sách giảm thể hiện hiệu quả, chất lượng và những tồn tại lớn của DNNN khi kinh doanh kém hiệu quả, dù khu vực này nắm phần lớn nguồn lực quốc gia”, ông Anh Tuấn nói. Theo ông Tuấn, điều này sẽ còn tiếp tục kéo sang năm 2017-2018, và nguồn thu ngân sách cũng chịu tác động lớn.
Cũng theo Bộ Tài chính, năm 2015, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn đã vượt 1,547 triệu tỷ đồng (tăng 1% so với năm 2014). Trong đó, có 25 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ vượt 3 lần (Tổng Cty Phát thanh Truyền hình thông tin là 32,8 lần; Tổng Cty Cơ khí Xây dựng 10,6 lần; Tổng Cty Lắp máy 8,8 lần; Vinalines 3,8 lần…).
Dù đang nợ với số tiền lớn, nhưng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng để các đơn vị khác nợ mình lên tới 338.327 tỷ đồng (tăng 6% so với năm 2014). Trong đó, nợ khó đòi hơn 16.700 tỷ đồng (tăng 11%). Hiện cả nước có 14 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế tới năm 2015, với tổng số tiền 6.165 tỷ đồng, như Vinalines còn lỗ hơn 3.346 tỷ đồng; Tổng Cty Lương thực Miền Nam lỗ 1.062 tỷ đồng; Tổng Cty Cà phê lỗ hơn 399 tỷ đồng; Tổng Cty Cơ khí Xây dựng lỗ 108 tỷ đồng.
“Thúc chưa chắc đã chuyển động”
Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, dù còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của các DNNN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Như vốn nhà nước tại DN được bảo toàn và phát triển, khả năng sinh lời ở mức khá. Đồng thời, các DNNN đã góp phần ổn định vĩ mô, cung cấp dịch vụ công ích. “Dù số nợ của các DNNN lớn, nhưng vẫn ở giới hạn cho phép (không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu), nên tình hình tài chính vẫn an toàn. Các DNNN cũng đóng góp nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Dù chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước sụt giảm so với năm 2014”, ông Dũng nhận xét.
Bộ Tài chính cũng nhìn nhận, năm 2015, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước huy động vốn lớn, vượt mức khống chế, dễ mất khả năng thanh toán, ảnh hưởng tới an toàn tài chính của DN. Đặc biệt, có một số DNNN và cơ quan chủ quản chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, giám sát…
Trước việc báo cáo chậm trễ tình hình DNNN năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có công văn yêu cầu các bộ ngành, địa phương kiểm điểm nghiêm túc. Đồng thời, xem xét, xử lý trách nhiệm với người quản lý DN, người đại diện vốn nhà nước tại DN không thực hiện đầy đủ quy định về báo cáo giám sát tài chính DN; xử lý người đứng đầu DNNN để thua lỗ. Kết quả báo cáo với Thủ tướng trong tháng 2/2017.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính công khai trên báo chí các bộ ngành, các địa phương không thực hiện báo cáo giám sát DNNN theo quy định. Đồng thời đề xuất Thủ tướng xử lý trách nhiệm với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không thực hiện đúng quy định.
Trao đổi với Tiền Phong, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng: Những khó khăn, bất ổn của nền kinh tế vừa qua và việc Việt Nam mở cửa… đã khiến các DNNN bộc lộ các bất cập vốn có, lộ rõ sự kém hiệu quả của mình và rơi vào vùng trũng của khó khăn, nợ nần. Cùng với đó, DNNN là nơi tập trung “đậm đặc” về tham nhũng và lợi ích nhóm, khiến những yếu kém càng trở nên trầm trọng hơn.
Tuy vậy, theo ông Hồ, những cái giá phải trả đó dù đắt nhưng rất quý, khi bản chất DNNN làm kinh doanh (trừ các dịch vụ công ích) không thể có hiệu quả bằng DN tư nhân. Đồng thời, vốn nhà nước đem kinh doanh rất khó quản lý, khi không có ai phải chịu trách nhiệm. “Khủng hoảng đã giúp thúc đẩy quá trình cải cách DNNN, cổ phần hóa nhanh, quyết liệt hơn. Chúng ta cứ nói thúc đẩy, nhưng thúc chưa chắc đã chuyển động. Giờ không chỉ yêu cầu quyết tâm, cần cả những quyết định mới có tính đột phá”, ông Hồ nói.
Ngoài các DN nhà nước nắm giữ 100% vốn, còn 230 DN nhà nước có cổ phần, với tổng vốn chủ sở hữu 102.622 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2014). Theo Bộ Tài chính, nhìn chung các DN sau cổ phần hóa đã tăng trưởng ổn định, nhưng có một số DN sau cổ phần lại hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ dẫn tới âm vốn chủ, như: Cty Truyền hình số vệ tinh âm vốn chủ sở hữu hơn 1.600 tỷ đồng; Tổng Cty CP Xây dựng Công nghiệp âm 348 tỷ đồng; Cty CP Xi măng Tuyên Quang âm 157 tỷ đồng… Các công ty cổ phần này năm 2015 chỉ đóng góp cho ngân sách nhà nước 20.254 tỷ đồng, giảm tới 36% so với năm trước đó.