Doanh nghiệp ngoại lo về kế hoạch “made in China” của Bắc Kinh
Ảnh minh họa. |
Reuters đưa tin, kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng sản xuất nội địa đến năm 2025 của Trung Quốc rất có vấn đề, và có thể được sử dụng để gây áp lực cho những công ty nước ngoài, được xem là đối thủ của doanh nghiệp Trung Quốc.
Để hoàn thành mục đích nâng cấp nền công nghiệp vì tăng trưởng kinh tế chậm chạp, Bắc Kinh lên kế hoạch “Made in China 2025”, kích thích tăng mạnh sản xuất nội địa trong 10 lĩnh vực, từ robot đến sinh dược.
Tuy nhiên, nhóm hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã chỉ trích kế hoạch cơ cấu lại thị trường này của Bắc Kinh, và lo lắng rằng kế hoạch này sẽ đẩy các thành viên phải dùng công nghệ chủ chốt của mình để đổi lấy việc tiếp cận thị trường. Nhóm các thành viên cho biết “dưới những quy định gần đây về ngành phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới, doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt với sức ép đưa ra công nghệ tiên tiến nhất để đổi lấy việc tiếp cận thị trường trong ngắn hạn”.
Họ cũng cho biết “trong ngành công nghiệp sản xuất robot, chính phủ Trung Quốc trợ cấp rất nhiều cho thị trường, và đối với ngành công nghệ thông tin, các doanh nghiệp châu Âu sẽ còn bị thắt chặt việc tiếp cận thị trường hơn nữa”.
Phái đoàn liên minh châu Âu ở Trung Quốc nhận định “Made in China 2025” hướng tới ‘kế hoạch thay thế hàng nhập khẩu quy mô lớn với mục đích chính là nội địa hóa những ngành công nghiệp chủ chốt” hoặc “làm giảm vị trí của các doanh nghiệp nước ngoài”. Và thực tế là những chính sách của Trung Quốc cũng đã tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp châu Âu.
Theo Reuters, để đạt được kế hoạch này, chính phủ Trung Quốc sẽ huy động đến các khoản trợ cấp, công nghệ tiên tiến, chính sách tài chính và các quỹ đầu tư của chính phủ.
Thủ tướng Lý Khắc Cường nói trước quốc hội Trung Quốc hôm 5/3 rằng những công ty nước ngoài và nội địa “sẽ được hưởng những chính sách như nhau khi kế hoạch Made in China 2025 được thực hiện”.
Dù vậy, điều đó cũng không làm dịu đi những lo lắng của các đối tác thương mại của Trung Quốc, và để tìm lại sự đối xử công bằng trên thị trường, họ đã cầu cứu đến chính phủ Mỹ và châu Âu.
Đại diện thương mại của Mỹ nói tuần trước rằng họ sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp doanh nghiệp xuất Mỹ có thể tiếp cận với các thị trường một cách công bằng.