|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp Mỹ cáo buộc đệm mút Việt Nam bán phá giá với biên độ chỉ hơn 1%

15:08 | 03/04/2020
Chia sẻ
Ngoài Việt Nam, các thị trường xuất khẩu đệm mút vào Mỹ như Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Serbia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kì cũng bị cáo buộc đã bán phá giá và trợ cấp gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước của Mỹ.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 31/3, Cục Phòng vệ thương mại nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đệm mút có xuất xứ từ Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Serbia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kì và Việt Nam.

Sản phẩm bị yêu cầu điều tra là mặt hàng đệm mút có mã HTS (mã HS áp dụng tại Mỹ) gồm: 9404.21.0010, 9404.21.0013, 9404.29.1005, 9404.29.1013, 9404.29.9085, 9404.29.9087, 9404.21.0095, 9404.29.1095, 9404.29.9095, 9401.40.0000, và 9401.90.5081. 

Các mã HS trên chỉ mang tính tham khảo, Bộ Thương mại Mỹ có thể mở rộng, thay đổi danh sách HS dựa trên mô tả chi tiết về sản phẩm.

Nguyên đơn bao gồm Brooklyn Bedding, Corsicana Mattress Company, Elite Comfort Solutions, Fxi, Inc., Innocor, Inc., Kolcraft Enterprises Inc., Leggett & Platt, Incorporated, The International Brotherhood of Teamsters, United Steel, Paper And Forestry, Rubber, Manufacturing, Energy, Allied Industrial and Service Workers International Union, Afl-Cio.

Với cáo buộc cho rằng sản phẩm đệm mút nhập khẩu từ Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Serbia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kì và Việt Nam đã bán phá giá và trợ cấp vào thị trường Mỹ gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước. 

Đối với Việt Nam, nguyên đơn chỉ cáo buộc hành vi bán phá giá với biên độ là 1,008.28%. Nguyên đơn cáo buộc ngành sản xuất đệm mút của Việt Nam không hoạt động theo cơ chế thị trường và đề xuất Ấn Độ có thể là nước thay thế để xác định giá thành sản xuất và chi phí trong quá trình điều tra đối với Việt Nam.

Thời kì điều tra (thời kì thu thập dữ liệu phục vụ việc điều tra) được xác định từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2019.

Theo số liệu của Mỹ, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trong diện điều tra của Việt Nam sang Mỹ đạt xấp xỉ 328,9 triệu USD, tăng 513% so với năm 2018 đạt 53,6 triệu USD. 

Trong tháng 1/2020, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng gần 57 triệu USD các loại mặt hàng này sang Mỹ, tăng 522% so với cùng kì năm 2019 đạt 9,1 triệu USD.

Xét riêng trong nửa cuối năm 2019, từ tháng 7 đến tháng 12, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 248,6 triệu USD các mặt hàng đệm mút trong diện điều tra sang Mỹ, tăng 841% so với cùng kì năm 2018.

Trước đó, năm 2016 và 2017, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này của Việt Nam sang Mỹ đạt mức tương ứng 82,1 và 63,9 triệu USD.

Theo đó, nhằm ứng phó kịp thời với vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp hiện đang sản xuất mặt hàng đệm mút ở Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ cần khẩn trương xem xét có quan điểm, ý kiến đói với các nội dung trong đơn kiện của nguyên đơn và sớm gửi Bộ Thương mại Mỹ.

Trong trường hợp Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng điều tra, các doanh nghiệp cần xem xét tham gia và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nhằm đảm bảo kết quả tích cực trong vụ việc đồng thời thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình xử lí vụ việc.

Như Huỳnh