|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp hàng không bay trong 'trần pháp lý' mới

07:31 | 12/11/2018
Chia sẻ
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2016/NĐ-CP và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng vừa được trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Nới điều kiện gia nhập

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Văn bản số 12368/BGTVT-VT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hàng không chung (Dự thảo Nghị định).

doanh nghiep hang khong bay trong tran phap ly moi

Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tháng qua, Dự thảo Nghị định được đánh giá là nhằm đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường hàng không dân dụng, bao gồm lĩnh vực: kinh doanh vận tải hàng không; cảng hàng không; cung cấp dịch vụ hàng không… này được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, vào giữa tháng 8/2018, Bộ GTVT đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định lần thứ nhất sau khi xin ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Dự thảo Nghị định lần thứ hai đã tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ về một số điểm có quan điểm khác biệt với cơ quan soạn thảo; cơ quan soạn thảo đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát, chỉnh sửa một số câu, chữ.

Trong cả 2 bản Dự thảo Nghị định, Bộ GTVT đã đề xuất bỏ khoản 1, Điều 5, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP về “Điều kiện kinh doanh vận tải hàng không”. Theo đó, việc phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không sẽ được hủy bỏ. Điều này có nghĩa là, để có được giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, các nhà đầu tư chỉ cần đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định.

Bên cạnh đó, mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không cũng được điều chỉnh để giảm nhẹ gánh nặng cho các nhà đầu tư. Theo đề xuất của Bộ GTVT, một hãng hàng không khai thác đến 10 tàu bay sẽ cần tối thiểu 300 tỷ đồng; từ 11 - 30 tàu bay là 600 tỷ đồng và khai thác trên 30 tàu bay là 700 tỷ đồng. Mức vốn tối thiểu này không phân biệt hãng hàng không khai thác thuần nội địa hay có các đường bay quốc tế. Tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP, mức vốn tối thiểu để một hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế khai thác 10 tàu bay là 700 tỷ đồng; từ 11 đến 30 tàu bay là 1.000 tỷ đồng và trên 30 tàu bay là 1.300 tỷ đồng.

Giữ nguyên tuổi tàu bay

Một điểm mới nữa trong Dự thảo Nghị định lần thứ hai này là việc Bộ GTVT đề xuất nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.

Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: bên nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ; phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài giữ phần vốn điều lệ lớn nhất thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân đó.

Bộ GTVT hạn chế số vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 34% vốn điều lệ là để bảo đảm hài hòa giữa việc hút vốn đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong nước.

Trước đó, Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định, trần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không được ấn định là 30%. Tại Dự thảo Nghị định lần thứ nhất, tuy nghiêng về trần góp vốn của nhà đầu tư ngoại ở mức không quá 34% vốn điều lệ, nhưng Bộ GTVT vẫn nêu thêm phương án mức vốn góp không quá 49% như đề xuất của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet.

“Sở dĩ Bộ GTVT hạn chế số vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 34% vốn điều lệ là để bảo đảm hài hòa giữa việc hút vốn đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Bên cạnh đó, tại Dự thảo Nghị định lần thứ hai, Bộ GTVT giữ nguyên tuổi tàu bay như quy định tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP thay vì nâng độ tuổi tàu bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm, nâng độ tuổi máy bay chở hàng từ 25 năm lên 30 năm như Dự thảo Nghị định lần thứ nhất.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, tuổi tàu bay là vấn đề nhạy cảm, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành không tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và ý kiến của một số chuyên gia, trước mắt giữ nguyên quy định về độ tuổi tàu bay để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn và đề xuất sửa đổi vào thời điểm thích hợp.

Tính đến tháng 9/2018, số lượng tàu bay cánh bằng dân dụng đăng ký quốc tịch Việt Nam là 175 chiếc, tăng 18 chiếc so với cùng kỳ năm 2017, trong đó Vietnam Airlines có 89 chiếc, Vietjet có 56 chiếc.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Minh