|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc thâm nhập thị trường Nhật Bản

08:12 | 10/11/2019
Chia sẻ
Theo giới quan sát, với việc thâm nhập thị trường Nhật Bản, Xiaomi sẽ thách thức vị trí lãnh đạo của “trái táo khuyết” Apple với những dòng sản phẩm có hiệu suất cao và mức giá phải chăng hơn.

Nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ tư thế giới Xiaomi của Trung Quốc đang chuẩn bị tiến vào thị trường Nhật Bản trong năm tới. Wang Xiang, Giám đốc quản lý các hoạt động quốc tế của Xiaomi, đã tiết lộ kế hoạch thâm nhập thị trường Nhật Bản vào ngày 4/11.

Tại “xứ hoa anh đào”, Xiaomi dự kiến sẽ cung cấp nhiều mẫu máy, cùng với các thiết bị thông minh đeo trên người có liên kết. Ban đầu, những thiết bị này sẽ được cung cấp độc quyền thông qua các kênh bán hàng của Xiaomi, bao gồm cả kênh bán hàng trực tuyến.

Giám đốc Wang cho biết, Xiaomi hy vọng có thể hợp tác với các nhà mạng không dây và các nhà phân phối điện thoại chính tại Nhật Bản, song ông không đề cập đến bất kỳ cái tên cụ thể nào.

Vào thời điểm nước Mỹ đang cố gắng cô lập Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, một số người tiêu dùng ở Nhật Bản có tâm lý nghi ngờ đối với những chiếc điện thoại thông minh do Trung Quốc sản xuất.

Tuy nhiên, ông Wang có vẻ tự tin về triển vọng của Xiaomi tại thị trường quốc gia Đông Á. "Chúng tôi hợp tác với (các công ty) như Google. Chúng tôi có hồ sơ theo dõi các quy tắc về bảo vệ dữ liệu cá nhân ở châu Âu và chúng tôi sẽ làm như vậy ở Nhật Bản", nhà lãnh đạo này trả lời khi được hỏi về những lo ngại về khả năng gián điệp của các công ty Trung Quốc.

Giám đốc Wang cho rằng thời gian chính xác mà Xiaomi sẽ được ra mắt tại Nhật Bản vẫn chưa được định rõ, do các thiết bị cần phải trải qua quá trình thử nghiệm hiệu năng.

Những chiếc điện thoại có hiệu năng cao, cùng mức giá thấp hơn so với các thương hiệu đối thủ là lợi thế bán hàng của Xiaomi. Trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm ngoái, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Xiaomi Lei Jun, người được mệnh danh “Steve Jobs của Trung Quốc”, cho biết công ty sẽ giới hạn tỷ suất lợi nhuận trên doanh số bán phần cứng xuống còn 5%.

Chính vì vậy, các dòng điện thoại của Xiaomi phần lớn có giá thấp hơn 50% so với các mẫu tương tự của Apple. Trong quý II/2019, doanh thu được tạo ra ở nước ngoài chiếm đến 40% tổng doanh thu của công ty. Trong đó, doanh thu bán điện thoại thông minh dẫn đầu thị trường Ấn Độ với thị phần 28%, vượt qua cả “gã khổng lồ” Samsung Electronics. 

Tại châu Âu, thị phần của Xiaomi đứng ở vị trí thứ tư, sau Samsung, Huawei và Apple, đứng thứ ba ở Nga và Indonesia, theo số liệu từ truyền thông Trung Quốc.

Sau khi mở rộng thị trường ra nước ngoài lần đầu tiên vào năm 2014, cũng là kinh doanh thứ tư của công ty, Xiaomi đến nay đã có mặt tại Đông Nam Á và Ấn Độ, sau đó là Nga, châu Âu và châu Phi. Công ty Trung Quốc hiện đang vận hành 520 cửa hàng Mi Home bên ngoài Trung Quốc tính đến cuối tháng 6/2019, gần gấp đôi con số của một năm trước đó.

Giám đốc Wang cho biết, Xiaomi sẽ sớm thành lập một công ty con của Nhật Bản để chuẩn bị cho việc ra mắt, song ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các mục tiêu bán hàng và sản phẩm cụ thể. Thay vì tập trung vào các mục tiêu cụ thể, "chúng tôi muốn mang sản phẩm đến Nhật Bản để phục vụ lợi ích của người tiêu dùng Nhật Bản", ông nói.

Phương Nga

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.