|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp có thể lách luật thế nào khi dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm?

16:34 | 26/06/2020
Chia sẻ
Mua lại các khoản nợ để đòi nợ thuê cho bên bán nợ, thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động để cung ứng nhân viên đòi nợ là hai trong số những cách mà người ta có thể áp dụng khi luật cấm dịch vụ đòi nợ thuê.

Chiều ngày 17/6, đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, cụ thể gần 93% ĐBQH đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Một trong những điểm đáng chú ý là luật cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Thảo luận về việc này, một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo qui định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ".

Tuy nhiên, tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến ĐBQH cho thấy, 371 ý kiến đồng ý cấm dịch vụ này, tương ứng 77,5%. Do đó, sau tiếp thu, dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đã đưa dịch vụ kinh doanh đòi nợ vào lĩnh vực cấm kinh doanh.

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội - đã chia sẻ góc nhìn của ông về nguy cơ một số tổ chức, cá nhân sẽ lách luật để tiếp tục đòi nợ thuê.

Ông Hùng nhận định Luật đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/6 mới chỉ quy định "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Luật chưa quy định rõ nội dung và phạm vi các hoạt động bị cấm. Các nội dung này còn cần phải có qui định chi tiết và cụ thể hơn tại các văn bản hướng dẫn (nghị định hoặc thông tư). 

"Do đó, cách thức mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có thể lách luật phụ thuộc rất lớn vào sự chặt chẽ và hợp lí của các qui định hướng dẫn về nội dung này", ông Hùng phát biểu.

Doanh nghiệp có thể lách luật thế nào khi dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm? - Ảnh 1.

Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: TGS

Tuy nhiên, khả năng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ tìm cách "lách luật" để tiếp tục hoạt động rất cao, vì nhu cầu thực tế đối với loại hình dịch vụ này khá lớn. 

"Chẳng hạn, họ có thể mua lại các khoản nợ nhưng thực chất là để đòi nợ thuê cho bên bán nợ, hoặc thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động, để cung ứng người lao động (mà thực chất là các nhân viên đòi nợ) cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, để thực hiện các công việc liên quan đến đòi nợ", vị luật sư nói. 

Vì vậy, luật sư Hùng cho rằng, để tránh nguy cơ "lách luật", chính phủ và các Bộ có liên quan cần ban hành các qui định hướng dẫn chi tiết và rõ ràng hơn, tạo ra những căn cứ pháp lí chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn, cũng như phải có những chế tài xử lí các hành vi trái luật.

Theo luật sư Hùng, sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê cũng chỉ là một cách thức, biện pháp để thu hồi nợ và thực tế nó không phải biện pháp thu hồi nợ mang tính phổ biến nhất. 

"Pháp luật hiện hành của chúng ta đã có đầy đủ các quy định pháp lý cần thiết, để các tổ chức và cá nhân có thể thu hồi nợ, cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ  khi phát sinh các khoản công nợ trong các giao dịch dân sự, kinh doanh – thương mại", ông Hùng nhấn mạnh.

Về bản chất pháp lí, vay tiền là quan hệ dân sự, chịu sự điều chỉnh của Luật dân sự, Luật Thương mại, Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp quy có liên quan khác. Do đó, trong trường hợp phát sinh tranh chấp, trước hết các bên có quyền tự giải quyết bằng cách thương lượng, hòa giải. 

"Nếu các bên không thể tự thảo thuận được với nhau, họ có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án có thẩm quyền, đề nghị tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo thủ tục của Luật tố tụng dân sự", ông Hùng nói.

Trong trường hợp vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hình sự (lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hoặc các tội phạm khác), người bị hại, hoặc các cá nhân, tổ chức có liên quan có quyền làm đơn trình báo, tố giác tội phạm đến cơ quan cảnh sát điều tra, để nhà chức trách xem xét và giải quyết theo qui định của Luật tố tụng hình sự.

Việc thu hồi nợ không chỉ phát sinh từ các hoạt đồng vay nợ (tiền) thuần túy mà còn có thể xuất phát từ rất nhiều các giao dịch dân sự và kinh doanh – thương mại khác (mua bán hàng hóa, đầu tư, xây lắp.v.v..). 

Do đó, theo ông Hùng, việc luật sư tham gia tư vấn, hỗ trợ pháp lý từ đầu, ngay từ giai đoạn đàm phán, giao kết hợp đồng là điều rất hữu ích, đặc biệt là đối với những hợp đồng có giá trị lớn. 

Với kiến thức và kinh nghiệm pháp lí, luật sư sẽ giúp cho các tổ chức, cá nhân biết và hiểu đầy đủ, chính xác các quy định của pháp luật, tư vấn kịp thời, chính xác, đảm bảo cho họ sự chặt chẽ, an toàn về pháp lý trong việc đàm phán, soạn thảo, kí kết và thực hiện các loại hợp đồng. 

"Sự hợp tác với luật sư sẽ giúp cho các tổ chức và cá nhân có thể phòng ngừa, tránh được các tranh chấp hoặc rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong thực tiễn", ông Hùng khẳng định.

Chí Quân