|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp cơ khí gặp khó khi tiếp cận chương trình chỉ định thầu

20:55 | 10/09/2017
Chia sẻ
Cùng với nhiều chính sách ưu đãi, việc đặt hàng của Chính phủ đã tạo cú hích cho ngành cơ khí phát triển như: công nghiệp tàu thủy, kết cấu thép siêu trường siêu trọng, thiết bị thủy công nhiệt điện…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận chương trình chỉ định thầu.

doanh nghiep co khi gap kho khi tiep can chuong trinh chi dinh thau
Nhà máy Cơ khí tại Khu Phức hợp Chu Lai – Trường Hải, được đầu tư nhiều máy móc thiết bị hiện đại của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...công suất 250 nghìn bộ sản phẩm/năm, góp phần đáng kể tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành ngành lắp ráp ô tô. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù nhiều sản phẩm cơ khí như: thiết bị đồng bộ, đóng tàu, lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị điện, máy xây dựng, phụ tùng cơ khí... đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, nhưng sản xuất cơ khí của Việt Nam hiện vẫn chỉ dừng ở mức “làm gia công”, chưa đủ sức chế tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh và đang bị "thua" ngay trên sân nhà.

Điều này dẫn đến việc hàng năm Việt Nam phải nhập siêu nhiều tỷ USD trang thiết bị, vật tư cho các ngành công nghiệp nói chung và ngành chế tạo cơ khí và luyện kim nói riêng.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (Narime) cho biết, chính sách đấu thầu, xây dựng và bảo vệ thị trường cho ngành cơ khí Việt Nam trong những năm qua chưa kích thích được các doanh nghiệp cơ khí phát triển, trong khi đó lại có cơ chế ưu đãi thuế, đất cho các doanh nghiệp FDI… Theo quy hoạch tổng thể Công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam cần tổng vốn đầu tư cho các phân ngành của ngành công nghiệp khoảng 289 tỷ USD; trong đó giá trị đầu tư lớn nhất là các dự án điện, dầu khí.

Dự kiến, giá trị thiết bị công nghiệp chiếm từ 70% - 75%. Như vậy, giá trị đầu tư vào thiết bị khoảng 200 tỷ USD.

Nếu ngành cơ khí có thể tự sản xuất được 30% trong số này thì đã có 60 tỷ USD giá trị sản xuất cơ khí cho các dự án, nhưng đòi hỏi phải có một chính sách nhất quán, đồng bộ. Cũng theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, quan trọng hơn cả là Nhà nước cần có chính sách tạo đơn hàng và thị trường cho ngành cơ khí.

Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không đòi hỏi nhiều về cơ chế chính sách như: thuế đất, vốn...

Vấn đề quan trọng là thị trường và cần có chính sách bảo vệ thị trường nội địa để tạo công ăn việc làm cho lao động cơ khí. Ngành cơ khí phát triển được phải nhờ ý chí của Nhà nước, chứ không thể chỉ riêng doanh nghiệp và ngay cả Mỹ cũng có xu hướng bảo vệ thị trường ở các lĩnh vực nhạy cảm. Chính sách nhà nước có thể thực hiện bảo hộ thị trường có điều kiện và thời hạn cho những ngành công nghiệp có thị trường lớn.

Chỉ định thầu từ 3 - 5 dự án cho ngành công nghiệp nhiệt điện, chế tạo bô xít, đóng giàn khoan, đóng tàu và một số nhà máy khai thác chế biến khoáng sản… Ngoài ra, đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước thì có thể chỉ định thầu hoặc tổ chức đấu thầu trong nước, nếu doanh nghiệp nước ngoài tham gia thầu hoặc liên danh hoặc làm thầu phụ với nhà thầu trong nước (nhà thầu trong nước là đơn vị đứng đầu liên danh).

Với máy móc, thiết bị trong dây chuyền công nghệ của dự án thì cần phân ra phần thiết bị chính để đảm bảo chất lượng cao, công nghệ tiên tiến được đấu thầu quốc tế có chỉ định xuất xứ hàng hóa và phần thiết bị phụ, kết cấu thép… có khả năng chế tạo trong nước thì cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong nước, ông Nguyễn Chỉ Sáng kiến nghị.

Ông Phan Phạm Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Cơ khí Hà Nội cho rằng, một trong những kiến nghị trong công tác chỉ định thầu đó là các cơ quan nhà nước, Chính phủ tạo cơ chế đồng bộ để tạo đơn hàng từ các cơ chế chỉ định thầu hoặc chỉ định đấu thầu, với những đơn hàng mà doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng được.

Đối với một số dự án, đầu tiên cần phải bảo hộ cho các doanh nghiệp thực sự có năng lực trong nước tham gia, thực hiện bằng các chính sách đấu thầu, chỉ định thầu. Khi chúng ta bảo hộ được thị trường lớn thì ngoài việc các nhà tổng thầu có lãi, các doanh nghiệp cơ khí, phụ trợ trong nước sẽ có cơ hội cung cấp hàng hóa, nâng cao năng lực của chính mình.

Nhiều doanh nghiệp cơ khí cũng cho rằng, chỉ trong 15 năm thôi, nếu như có một chính sách đúng trong việc tạo đơn hàng, chỉ định thầu để tạo thị trường thì doanh nghiệp cơ khí hoàn toàn có thể nắm bắt được nhu cầu cao của các sản phẩm cơ khí trong nước. Theo Chủ tịch VAMI - ông Nguyễn Văn Thụ, với xuất phát điểm còn thấp thì yếu tố tạo nên thành công đầu tiên là việc mình có làm chủ thị trường hay không.

Thị trường cho ngành cơ khí hiện nay rất nhiều, nhưng chúng ta định nhắm đến thị trường nào, lĩnh vực nào có dung lượng lớn để tập trung.

Có thể làm từ những dự án nhỏ, sau đó doanh nghiệp Việt mới có thể tiếp cận được các dự án quy mô lớn hơn của nhà thầu nước ngoài. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 13 về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Trong đó có các nội dung như: phân chia gói thầu, chỉ đấu thầu quốc tế khi hàng hóa trong nước không sản xuất được hoặc không đáp ứng yêu cầu… Ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng, trách nhiệm của các chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc bóc tách, phân chia gói thầu sẽ rõ ràng và chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì không chỉ có chủ đầu tư mà vấn đề là “bàn tay” hữu hình của nhà nước để giám sát việc tuân thủ Chỉ thị này cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước…

doanh nghiep co khi gap kho khi tiep can chuong trinh chi dinh thau Cả nước chỉ có 35 doanh nghiệp được kinh doanh khí gas

Bộ Công Thương công bố danh sách thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; phân phối khí theo Nghị định số 19 của chính phủ.

Đức Dũng