|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đoạn trường lòng vòng khiến các chủ đầu tư dự án nhà ở sợ hãi

20:45 | 21/12/2016
Chia sẻ
Chủ trương của Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tuy nhiên, theo DN, thủ tục hành chính tại cơ sở ít cải thiện. Thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng dự án cứ kéo dài thêm một năm thì doanh nghiệp tăng thêm 5% chi phí.

Thủ tục cấp giấy phép xây dựng đang khiến doanh nghiệp đau đầu cho dù cơ quan chức năng khẳng định đã và đang tối giản thủ tục và rút gọn "cửa" cấp phép.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xây dựng, xin cấp phép xây dựng là một trong những thủ tục hành chính tốn thời gian nhất.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Invest kể với PV Infonet câu chuyện khi xin chấp thuận đầu tư dự án, nhà đầu tư phải nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi xem xét hồ sơ hợp lệ Sở KHĐT sẽ có văn bản gửi các Sở ban ngành của Thành phố xin ý kiến về các lĩnh vực quản lý của mình.

doan truong long vong khien cac chu dau tu du an nha o so hai
Chủ đầu tư dự án bất động sản "đau đầu" vì thủ tục cấp phép xây dựng "ngốn" nhiều thời gian, chi phí khiến giá nhà tăng (Ảnh: Minh Thư)

Cụ thể, khi Sở KHĐT xin ý kiến của UBND quận thì quận giao cho phòng đô thị giải quyết, tuy nhiên phòng đô thị lại tiếp tục có văn bản hỏi các phòng trong quận (phòng tài nguyên, tài chính, ban QLDA, UBND phường, phòng giáo dục …) và nhà đầu tư phải đi tất cả các phòng để giải trình, họp cư dân mới có được văn bản trả lời để phòng đô thị tổng hợp.

Phòng đô thị của quận phải đợi có tất cả các văn bản tham gia ý kiến của các phòng khác mới tổng hợp báo cáo lãnh đạo quận mặc dù văn bản có ghi thời hạn trả lời và quá thời hạn không có văn bản coi như là đồng ý, nhưng quá thời hạn mà không có văn bản thì vẫn không triển khai mà vẫn phải... đợi khi nào có văn bản.

“Như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian của nhà đầu tư cũng như không đúng với quy trình thời gian giải quyết thủ tục hành chính gây phiền toái cho các nhà đầu tư và tiến độ rất chậm có thủ tục kéo dài tới 6-7 tháng ở một đơn vị”, ông Hiệp nói.

Kể ra sự việc trên, ông Hiệp bức xúc, chủ trương của Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tuy nhiên, thực tế thủ tục hành chính vẫn không cải thiện. “Chúng tôi sợ nhất bị hành là chính ở UBND quận và ở Sở”, vị Chủ tịch HĐQT Invest nói.

Dẫn chứng thêm, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay, nhất là thủ tục cấp phép xây dựng tại UBND quận, khi nhà đầu tư nộp hồ sơ xong hết nhưng phải đến gần đến ngày hết hạn trả kết quả thì họ mới thông báo cho nhà đầu tư bổ sung tài liệu, sau khi nộp thì thời gian lại được tính từ đầu và chúng tôi lại phải dài cổ chờ.

Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc một Tập đoàn xây dựng thì cho rằng, thủ tục cấp GPXD năm 2016 tốn nhiều thời gian hơn 2015. Năm 2015 chỉ mất 114 ngày nhưng đến 2016 thì phải mất 166 ngày. Vì thế, doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian thủ tục này.

Mặt khác, bà Dung cho hay, khi doanh nghiệp này triển khai dự án ở các địa phương với quy mô không lớn, tuy nhiên các địa phương vẫn không dám cấp phép đầu tư mà phải gửi lên Bộ Xây dựng thẩm định.

“Với những dự án như vậy, qua vòng sở, UBND các tỉnh đã rất lâu, lại chờ lên Bộ Xây dựng thẩm định xong thì quá lâu. Đề nghị Bộ Xây dựng có phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian hơn”, bà Dung kiến nghị.

Đại diện Công ty Thương mại - Xây dựng Lê Thành (TP Hồ Chí Minh) từng chia sẻ, khi thực hiện triển khai 8 dự án nhà ở mà không có dự án nào xin cấp phép dưới 30 tháng, có dự án mất tới 4 - 5 năm.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, cách đây hơn 10 năm, khi các doanh nghiệp muốn xin GPXD hay đầu tư cho một dự án rất đơn giản. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, thủ tục không những được đơn giản hóa lại có chiều hướng nở thêm khiến doanh nghiệp chật vật và hệ quả cuối cùng sẽ là người dân, cụ thể là người mua nhà, phải gánh chịu.

Theo tính toán của ông Đực, thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng dự án cứ kéo dài thêm một năm thì doanh nghiệp tăng thêm 5% chi phí.

Ông Đực phân tích cụ thể, giai đoạn 1: Trước Nghị định 90/2006 thì thủ tục đơn giản. Để khởi công dự án chỉ cần có quyết định giao đất và phê duyệt quy hoạch 1/500 là được. Thiết kế hạ tầng, giấy phép môi trường, PCCC bổ sung sau khi xây dựng. Giá bán thời điểm đó là 5-6 triệu đồng/m2.

Giai đoạn 2: Nghị định 90/2006 và Nghị định 71/2010 quy định về dự án đầu tư và giấy phép xây dựng quy định bên cạnh quyết định giao đất và phê quyệt quy hoạch 1/500 cần phải thiết kế cơ sở hạ tầng (gồm PCCC, môi trường, điện, nước) mới được phê duyệt dự án đầu tư và sau đó mới được cấp giấy phép xây dựng. Hoàn thành đầy đủ thủ tục sẽ được khởi công. Để làm đầy đủ thủ tục này, doanh nghiệp thường mất thời gian làm 2-3 năm.

Giai đoạn 3: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết kế kỹ thuật và giấy phép xây dựng. Cùng với các thủ tục ở giai đoạn 2, chủ đầu tư cần phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết kế kỹ thuật và giấy phép xây dựng mới được khởi công. Việc quản lý quá chặt qua nhiều khâu này đã khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.

Từ nhận định đó, ông Đực kiến nghị: Nhà nước xem xét lại, nên áp dụng quy định về quản lý đầu tư dự án phát triển nhà ở như ở giai đoạn 1. Bên cạnh đó, Nhà nước nên cho phép chủ đầu tư khởi công xây dựng phần móng, tầng hầm của công trình khi cơ quan thẩm quyền đã duyệt quy hoạch. Vì thời gian xây dựng phần móng tầng hầm kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, đủ thời gian để chủ đầu tư lập thủ tục cấp GPXD và các thủ tục bổ sung.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Thư

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.