|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đô thị TP HCM sẽ phát triển thế nào?

07:55 | 18/01/2019
Chia sẻ
Trước sự gia tăng dân số và những thách thức trong phát triển đô thị mà TP HCM đang gặp phải như tình trạng ngập nước, ách tắc giao thông, sự gia tăng ô nhiễm đang đến mức báo động, năm 2019 những vấn đề này sẽ được TP HCM giải quyết thế nào?
do thi tp hcm se phat trien the nao
TP HCM sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch đảm bảo phù hợp với sự phát triển chung. Ảnh: NL

Tập trung giải quyết ngập nước, ùn tắc giao thông

Trong năm 2019, TP sẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không thể nói thiếu tiền giải quyết ngập nước, kẹt xe, lĩnh vực hạ tầng gắn với người dân nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp, 2 lĩnh vực mà người dân bức xúc nhất nhưng giải ngân chưa đến 60%. Sở Giao thông Vận tải TP đến hết tháng 10/2018 giải ngân được 58%; Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước giải ngân 53%. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình đô thị giải ngân được 32%; Công ty TNHH Phát triển công nghiệp Tân Thuận giải ngân chỉ 8,1%; Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn giải ngân 3,5%; Sở Công Thương giải ngân được 1,1%.

Ông Nhân đề nghị, các đơn vị phải rà soát, kiểm điểm việc sử dụng ngân sách đầu tư công trong 3 năm qua, từ đó đề xuất biện pháp thay đổi, xử lý.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký ban hành Quyết định số 4341 về kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2018 - 2020, với tổng số tiền là 96.159 tỉ đồng.

Năm 2019, TP dự kiến đưa vào sử dụng 75km đường bộ và 17 cây cầu, khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 11,2% nhu cầu giao thông, hi vọng sẽ giúp phần nào thoát khỏi tình trạng kẹt xe trầm trọng.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, trong năm 2019, Sở sẽ tập trung bố trí vốn đầu tư cho các dự án thực hiện chương trình đột phá, dự án trọng điểm giải quyết tình trạng ùn tắc khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, khu vực trung tâm TP, chống sạt lở bờ sông, kênh rạch… Thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, giải ngân, đảm bảo chỉ tiêu giải ngân kế hoạch vốn giao.

Bên cạnh đó, dự án giải quyết ngập 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2019, cũng sẽ giúp TP chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.

Hoàn thiện khu đô thị mới Thủ Thiêm

Đối với việc phát triển đô thị trong năm tới, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, mục tiêu của TP là hoàn thiện phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm.

“Trước mắt, chính quyền sẽ giải quyết các vấn đề thiếu sót, tồn tại đối với người dân. Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế để thu hút nguồn lực tài chính quốc tế”, ông Tuyến nói.

Ông Lý Khánh Tâm Thảo - quyền Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, thông tin, TP sẽ tiếp tục chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu, gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm điều tiết phân bổ lại dân cư, ưu tiên phát triển theo định hướng giao thông công cộng, điều tiết dân số, phân bố dân cư và nhà ở hợp lý hơn.

Liên quan đến giao thông công cộng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, TP sẽ tập trung nguồn lực từ ngân sách để đầu tư đổi mới xe buýt phù hợp với đặc tính đô thị TP, kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, nhằm thu hút người dân tham gia, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân... Từ nay đến năm 2020, xe buýt vẫn là chủ lực trong hệ thống giao thông công cộng, với mục tiêu vận chuyển 15% lượng hành khách (hiện nay là 9,6%). Kinh phí đầu tư phương tiện phục vụ hoạt động vận tải hành khách cộng cộng đến năm 2020 là 11.514 tỉ đồng.

Ông Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận, trong quá trình phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh, TP HCM đang đứng trước nhiều thách thức về giao thông, vệ sinh môi trường, ngập nước do yếu kém về quy hoạch. Trong thời gian tới, TP sẽ nâng cao chất lượng quy hoạch đảm bảo phù hợp với sự phát triển chung, đồng thời sẽ tính toán để điều chỉnh bổ sung quy hoạch ít nhất chu kỳ 10 năm thay vì 5 năm như hiện nay. Điều này TP có thể thực hiện được vì đã có các công cụ để thực hiện và có thể thuê các nhà tư vấn quốc tế hỗ trợ.

Xem thêm

Nghiêm Lan