|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điều gì giúp xuất siêu quay trở lại, cắt đứt chuỗi thâm hụt thương mại liên tiếp trong 5 tháng?

07:53 | 05/10/2021
Chia sẻ
Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt 26,5 tỷ USD. Như vậy, sau 5 tháng liên tục nhập siêu, cán cân thương mại đã trở lại “vị thế” xuất siêu với giá trị 500 triệu USD. Đây có thể là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian "đóng băng" vì giãn cách xã hội.

Cán cân thương mại trở lại vị thế xuất siêu

Sau nhiều năm liên tục xuất siêu, tháng 4/2021 đánh dấu tháng nhập siêu trở lại của cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam. Theo sau đó là chuỗi liên tiếp các tháng nhập siêu kéo dài đến tháng 8.

Tuy nhiên, đến tháng 9, cán cân thương mại đã quay về “vị thế” xuất siêu với giá trị 500 triệu USD. 

Cụ thể, số liệu được Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 đạt 27 tỷ USD, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 26,5 tỷ USD. Đây có thể là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian "đóng băng" vì giãn cách xã hội.

Chia sẻ với người viết, TS. Huỳnh Thanh Điền, Chuyên gia kinh tế, cho rằng trong những tháng đầu dịch bệnh doanh nghiệp chưa thích nghi với tình trạng sản xuất thay đổi như giảm công suất, quy định "3 tại chỗ", chi phí vận chuyển tăng cao...nhưng sau đó doanh nghiệp dần quen hơn với khó khăn nên đã kết nối lại đơn hàng với đối tác, giúp hoạt động sản xuất được dần khôi phục ở một mức độ nhất định.

Điều gì giúp xuất siêu quay trở lại, cắt đứt chuỗi thâm hụt thương mại liên tiếp trong 5 tháng? - Ảnh 1.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê.Đồ họa: Alex Chu)

"Chúng ta đang chuyển dần từ trạng thái "Zero COVID" thành "thích ứng với dịch", giúp hoạt động kinh tế được khơi thông hơn, các doanh nghiệp, đối tác trên thế giới sẽ nhận thấy hướng đi này của Chính phủ Việt Nam giúp niềm tin tăng trở lại, đơn hàng từ đó cũng quay trở lại. 

Theo đó, doanh nghiệp trong nước cũng thích ứng hơn như thay đổi phương thức quản lý, sản xuất, kiện toàn lại chuỗi cung ứng từng bước để đảm bảo hoạt động kinh doanh", chuyên gia nhận định.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cũng thừa nhận trong tháng 8 do nhận thấy việc hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" không hiệu quả nên công ty đã quyết định dừng sản xuất. Tuy nhiên bước sang tháng 9, Việt Thắng Jean đã tổ chức lại sản xuất với 40% công nhân để hoàn thành các đơn hàng gấp của đối tác quốc tế.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp, nếu không hoạt động trở lại sớm sẽ mất đơn hàng, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. 

"Doanh nghiệp và toàn ngành sẽ mất cả hai mục tiêu, dịch chưa kiểm soát được và ảnh hưởng đến nền kinh tế nếu doanh nghiệp không đủ sức chống đỡ", ông Việt chia sẻ.

Phân tích thêm về điều kiện nối lại đơn hàng của các doanh nghiệp, theo chuyên gia Thanh Điền, thực tế dư địa sản xuất của doanh nghiệp khá lớn khi các đơn hàng đã ký từ trước và trải dài đến cuối năm. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc về vận chuyển hàng hóa, giúp cho hoạt động xuất khẩu chuyển biến tích cực.

Một nguyên nhân khác giúp cán cân thương mại hàng chuyển sang xuất siêu trong tháng vừa qua là do kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp thường tập trung ký kết hợp đồng vào cuối năm trước hoặc đầu năm mới, đến quý I, quý II sẽ là thời gian tăng nhập nguyên liệu và đến quý III, quý IV nhà máy được tập trung cho sản xuất. 

Do đó, ông Điền cho rằng trên thực tế doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu trong thời gian qua, đến giai đoạn này chỉ còn tập trung thực hiện đơn hàng nên việc xuất siêu trong tháng 9 một phần cũng do quy luật kinh doanh này.

Cán cân thương mại trở lại vị thế xuất siêu, mục tiêu xuất khẩu vẫn lạc quan - Ảnh 2.

TS. Huỳnh Thanh Điền, Chuyên gia kinh tế. (Ảnh: TTXVN)

Có thể thấy, kết quả xuất nhập khẩu trong tháng 9 đã kết thúc chuỗi nhập siêu liên tiếp trong những tháng qua nhưng tính chung 9 tháng năm 2021, hoạt động thương mại hàng hóa vẫn thâm hụt 2,13 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 16,6 tỷ USD.

Bộ Công Thương cho rằng do kinh tế thế giới phục hồi nhu cầu tăng, các doanh nghiệp đã tăng lượng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ cho sản xuất, cùng với giá cả hàng hóa thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, góp phần tăng kim ngạch nhập khẩu.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển tăng cũng làm tăng chi phí, tăng trị giá nhập khẩu, xuất khẩu lại giảm tốc từ tháng 6 đến nay. 

"Tháng 6 do dịch COVID-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, còn trong các tháng 7, 8, 9 dịch COVID-19 tác động mạnh đến xuất khẩu của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đây là các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhập siêu trong 9 tháng năm 2021", báo cáo của Bộ Công Thương cho hay.

Đáng chú ý, dù nhập siêu trong 9 tháng nhưng nhìn vào kết quả xuất khẩu của nhiều nhóm hàng, có thể thấy, sự gia tăng cả về lượng và giá xuất khẩu đã phần nào cứu vãn cho kim ngạch xuất khẩu tưởng chừng sẽ thâm hụt sau nhiều tháng khó khăn vì dịch bệnh.

Điển hình, với một số mặt hàng nông sản như sắn tăng 50,2% về sản lượng và tăng tới 67,6% về trị giá, cao su tăng hơn 17% về lượng và tăng tới 52,7% về trị giá xuất khẩu; hạt tiêu mặc dù lượng giảm 3,3% nhưng trị giá tăng gần 47%.

Điều gì giúp xuất siêu quay trở lại, cắt đứt chuỗi thâm hụt thương mại liên tiếp trong 5 tháng? - Ảnh 3.

(Nguồn: Bộ Công Thương. Đồ họa: Alex Chu)

Còn với nhóm nhiên liệu, khoáng sản và công nghiệp chế biến, một số mặt hàng đã ghi nhận sự tăng mạnh cả về lượng và trị giá như than đá tăng lần lượt 147,4% và 126,5%; sắt thép các loại tăng 125,4% và 39,3%.

Tuy nhiên, dù chiếm tỷ trọng cao nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu nhưng nhiều mặt hàng của công nghiệp chế biến sụt giảm mạnh về lượng như gỗ và sản phẩm gỗ giảm 35,3%; hàng dệt và may mặc giảm 18,6%; giày dép các loại giảm 44,2%...nên không "đủ sức" kéo cán cân thương mại 9 tháng về phía xuất siêu.

Điều gì giúp xuất siêu quay trở lại, cắt đứt chuỗi thâm hụt thương mại liên tiếp trong 5 tháng? - Ảnh 3.

(Nguồn: Bộ Công Thương. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Kết thúc năm 2021 vẫn có thể xuất siêu?

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ ngày 30/9 rằng tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng vẫn đang ở mức cao, hiện đang là 18,8%, trong khi năm 2020 mới chỉ tăng trưởng ở mức 7 -10%. Đặc biệt, tháng 9 cán cân thương mại hàng hóa đã ghi nhận xuất siêu với trị giá 500 triệu USD.

Tính chung trong 9 tháng năm 2021, nước ta đang nhập siêu 2,13 tỷ USD. Nếu so sánh với kim ngạch nhập khẩu, tương đương 0,8%.

“Đây là một khoảng cách không phải là quá lớn và chúng ta còn ba tháng của quý IV. Chính vì vậy, nếu như không có biến động lớn trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh, ba tháng cuối năm, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam lấy lại được sự phục hồi, đà tăng trưởng.

Khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng đến thời điểm kết thúc năm 2021, cán cân thương mại sẽ duy trì ở mức cân bằng. Và nếu như tình hình lạc quan hơn, chúng ta có thể xuất siêu ở tỷ lệ nhất định”, ông Trần Thanh Hải dự báo.

Theo đó, với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020, vượt mục tiêu Chính phủ giao cũng như kế hoạch đề ra của Bộ Công Thương là đạt mức 4-5%.

Cũng theo Bộ Công Thương, cơ sở để đưa ra dự báo này là do thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi khi doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA, cùng với nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm. 

Đặc biệt, tín hiệu đáng mừng là TP HCM đang từng bước mở cửa lại, giúp doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, với vai trò là địa phương quan trọng bậc nhất trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Nam, việc mở cửa TP HCM sẽ giúp các địa phương lân cận đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá.

"Thị trường cơ bản hiện nay không có biến động gì. Sức mua của thị trường thế giới ổn định, có sự tăng nhẹ khi các nước đang tích cực nhập hàng để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm. 

Do vậy, doanh nghiệp được trở lại sản xuất sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, có dòng tiền để trang trải chi phí, tiếp nhận người lao động trở lại làm việc và chạy đua để hoàn thành các đơn hàng bị chậm muộn, giữ chân được khách hàng để có hợp đồng mới", đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Tuy nhiên, ở kịch bản tiêu cực hơn, theo Bộ Công Thương quý IV là chu kỳ nhập khẩu nên thường sẽ tăng cao, do đó, dự kiến cả năm nhập khẩu tăng hơn 20%, nhập siêu khoảng 2 tỷ USD.

Điều gì giúp xuất siêu quay trở lại, cắt đứt chuỗi thâm hụt thương mại liên tiếp trong 5 tháng? - Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành. (Ảnh chụp màn hình)

Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến Bức tranh Kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022 diễn ra ngày 1/10, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cũng nhận định rằng để có thể có được tăng trưởng trở lại trong quý IV thì phải mở cửa ngay và duy trì sự mở cửa đó chứ không thể quay lại giãn cách trên diện rộng như thời gian qua.

"Nếu cứ mở rồi lại đóng thì không những không phục hồi được mà sẽ dẫn đến đổ vỡ kinh tế trong năm 2022. Nhưng nếu mở cửa và thích ứng an toàn từ đầu tháng 10 thì đến giữa tháng 10 các doanh nghiệp có thể quay trở lại sản xuất và tăng trưởng quý IV có thể tăng 3,5% và cả năm khoảng 2,1%", chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành dự báo.

Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý rằng việc đạt được ngưỡng tăng trưởng 3,5% trong quý IV cũng là một thách thức và tăng trưởng cả năm trên 3% là rất khó. Nếu việc mở cửa còn ngập ngừng, tăng trưởng quý IV sẽ thấp hơn 2%, GDP cả năm sẽ chỉ tăng khoảng 1%. Còn nếu không mở cửa được thì quý IV không có tăng trưởng, cả năm sẽ tăng trưởng âm.

Dù vậy, kế hoạch này cũng cần đi kèm với các điều kiện nới lỏng để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại mà không cần các yêu cầu như "3 tại chỗ", việc kiểm soát dịch và quản lý rủi ro bằng cách tuân thủ, giám sát thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải xin cấp phép.

Đồng thời, các hoạt động vận tải, logistics cần được nối lại, thông thoáng và linh hoạt. Người điều khiển xe và lao động logistics tiêm đủ liều vắc xin hoặc có kết quả âm tính trong 72h là tiêu chí an toàn thay cho cấp phép QR luồng xanh.

Còn theo ông Huỳnh Thanh Điền, dù vẫn kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại của TP HCM để hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp được khôi phục nhưng chuyên gia vẫn có một số lo lắng nhất định.

"Hiện nay số ca nhiễm vẫn còn cao, khi mở lại các doanh nghiệp phải chú ý đảm bảo an toàn phòng dịch, phải có hệ thống y tế lưu động kiểm soát hiệu quả, nếu không khi doanh nghiệp gặp phải số ca nhiễm tăng cao buộc họ sẽ đóng cửa và điều này sẽ khiến doanh nghiệp phá sản. 

Bởi so với đóng cửa, việc vừa mở cửa một thời gian đã phải đóng cửa với hàng loạt các khoản đầu tư, vận hành vừa được bỏ ra sẽ khiến doanh nghiệp tổn thất rất nhiều", chuyên gia Huỳnh Thanh Điền nhận định.

Tuy nhiên, theo vị này trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường tiêu dùng của các nước trên thế giới có thể giảm nhưng hàng hóa vẫn phải sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khi kinh tế phục hồi. 

Do đó, quốc gia nào sớm tạo được điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa thông thoáng sản xuất vừa đảm bảo an toàn thì niềm tin của khách hàng quốc tế sẽ đặt ở quốc gia đó nhiều và đơn hàng sẽ quay về với doanh nghiệp.

Như Huỳnh