Điều đáng sợ sau dịch COVID-19 đã xuất hiện
Một số người gọi virus corona mới là “máy cào bằng” vì cả người giàu và người nghèo đều bị bệnh; nhưng khi nói đến thực phẩm, thì cụm từ này không đúng nữa. Những người nghèo - bao gồm hầu hết mọi người dân ở các nước nghèo - đang đói khát và phải đối mặt với khả năng chết đói.
“Virus corona mới hoàn toàn không phải là một máy cào bằng tuyệt vời”, Asha Jaffar, một tình nguyện viên giao thức ăn cho các gia đình ở khu ổ chuột Kibera, Nairobi sau vụ giẫm đạp gây tử vong, nói: “Đó là một sự mặc khải lớn, dựng lại lớp rào cản giữa các giai tầng và lộ rõ đất nước này bất bình đẳng như thế nào”.
Arif Husain, nhà kinh tế hàng đầu của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Liên hợp quốc, nói rằng trên thế giới vốn đã có 135 triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng; giờ đây với sự bùng phát của COVID-19, năm 2020 số người đói có thể thêm 130 triệu nữa. Đến cuối năm, ước tính có tổng cộng 265 triệu người sẽ bị đói.
Thế giới trước đó cũng đã trải qua một cuộc khủng hoảng đói khát nghiêm trọng, nhưng tất cả đều chỉ có tính khu vực và gây ra bởi nguyên nhân nhất định, như thời tiết cực đoan, suy thoái kinh tế, chiến tranh hoặc bất ổn chính trị.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng cuộc khủng hoảng đói khát lần này là toàn cầu; nguyên nhân là do nhiều yếu tố liên quan đến dịch bệnh do virus corona mới và sự phá vỡ trật tự kinh tế sau đó: nhiều người phải vật lộn để sống sót đột nhiên mất thu nhập, giá dầu lao dốc, gián đoạn du lịch dẫn đến khan hiếm tiền tệ, lao động nước ngoài không có thu nhập để gửi về nhà và các vấn đề đang diễn ra như biến đổi khí hậu, bạo lực, phân tán dân số và thảm họa nhân đạo.
Từ Honduras qua Nam Phi đến Ấn Độ, mọi người phẫn nộ vì sợ chết đói trong cuộc phong tỏa, các cuộc biểu tình và cướp bóc đã nổ ra.
Với việc đóng cửa trường học, hơn 368 triệu trẻ em đã mất các bữa ăn dinh dưỡng và đồ ăn nhẹ mà chúng thường có ở trường. Hiện tại, tình trạng thiếu lương thực toàn cầu và nạn đói quy mô lớn do dịch bệnh tạm thời chưa xảy ra.
Tuy nhiên, ông Johan Swinnen, giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) tại Washington, nói những vấn đề trong việc trồng trọt, thu hoạch và vận chuyển lương thực sẽ khiến các nước nghèo lâm vào khó khăn trong những tháng tới, Đặc biệt là những quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tại Venezuela, dịch bệnh có thể giáng đòn hủy diệt cho hàng triệu người vốn đã sống trong sự sụp đổ kinh tế.
Trong khu ổ chuột Pidal khổng lồ ở ngoại ô thủ đô Caracas, việc phong tỏa quốc gia đã khiến mọi người mất việc làm. Trước cuộc khủng hoảng, số lương thực được chính phủ cấp hai tháng một lần của họ đã bị cạn kiệt.
Ở Ấn Độ, sự không chắc chắn về lương thực cũng đang gia tăng và những người lao động sống dựa vào số tiền ít ỏi kiếm được hàng ngày hầu như không được bảo đảm an sinh xã hội và nạn đói hiện là mối đe dọa lớn hơn so với virus corona.
Ông Amitabh Behar, tổng giám đốc Oxfam Ấn Độ nói, với sự gián đoạn tiền lương, ước tính khoảng 500.000 người rời thành phố để đi về nhà và bắt đầu “cuộc di cư dân số lớn nhất từ khi độc lập” ở nước này.
New Delhi đã áp đặt lệnh phong tỏa vào tháng 3 mà không cảnh báo trước. Vào buổi tối, hàng trăm công nhân nhập cư bị mắc kẹt ở New Delhi ngồi dưới gốc cây trông chờ thức ăn đưa tới.
Chính quyền thành phố đã thành lập một văn phòng bố thí cháo, nhưng do những ngày gần đây số người kéo tới các trung tâm này ngày một tăng, những người lao động vẫn đang bị đói.
Ông Nihal Singh, một lao động nhập cư nói: “Giết chết chúng tôi là đói khát chứ không phải virus corona mới”. Ông đang trông chờ được ăn bữa ăn đầu tiên của mình vào ngày hôm đó (23/4).
Các công nhân đang xếp hàng chờ thực phẩm đã tranh nhau một đĩa cơm với đậu biển. Singh nói ông xấu hổ vì phải xin ăn nhưng không có lựa chọn nào khác. Ông nói: “Cuộc phong tỏa đã chà đạp lòng tự trọng của chúng tôi”.
Nhưng có lẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người tị nạn và cư dân sống trong các khu vực có xung đột quân sự.
Lệnh giới nghiêm và hạn chế đi lại đã hủy hoại thu nhập ít ỏi của người di tản ở Uganda và Ethiopia, cũng như việc cung cấp hạt giống và nông cụ ở Nam Sudan và phân phối viện trợ lương thực ở Cộng hòa Trung Phi.
Tại Nigeria, các biện pháp ngăn chặn virus đã khiến giá lương thực tăng vọt. Theo Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC), nước này đã tiếp đón gần 60.000 người tị nạn đã chạy trốn cuộc xung đột ở Mali.
Kurt Tjossem, Phó Chủ tịch khu vực Đông Phi của IRC, nói tác động của những biện pháp hạn chế này “có thể còn hơn cả những đau khổ do COVID-19 gây ra”. Khi nhiều người đói, một số quốc gia lo lắng rằng tình trạng thiếu lương thực sẽ dẫn đến bất ổn xã hội.
Tại Colombia, cư dân của tỉnh Guajira ven biển đã bắt đầu chặn đường, nhằm để bên ngoài chú ý đến nhu cầu lương thực của họ. Ở Nam Phi, những tên côn đồ đã xông vào các khu ẩm thực đường phố và đối đầu với cảnh sát.