Điều chỉnh quy hoạch sân bay Điện Biên, bổ sung thêm gần 170 ha đất
Mục tiêu đến năm 2030, sân bay Điện Biên sẽ đạt công suất 2 triệu hành khách/năm, 10.000 tấn hàng hóa/năm. (Ảnh minh họa) |
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo nội dung quy hoạch điều chỉnh, đây là cảng hàng không nội địa có hoạt động bay Quốc tế, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Mục tiêu quy hoạch đến năm 2020, sân bay Điện Biên sẽ đạt cấp 3C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II; công suất 300.000 hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm. Sân bay sẽ có 3 vị trí đỗ tàu bay, khai thác các loại máy bay A320, A321 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh CAT I.
Giai đoạn định hướng đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là sân bay cấp 3C và sân bay quân sự cấp II; công suất 2 triệu hành khách/năm, 10.000 tấn hàng hóa/năm. Tổng số vị trí đỗ tàu bay nâng lên thành 6 vị trí; các loại máy bay khai thác vẫn là A320, A321 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh CAT I.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không Điện Biên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là 201,39 ha. Trong đó, đất hiện hữu được cấp 39,15 ha; đất xin thêm theo quy hoạch mới 169,12 ha; đất dự kiến trả tỉnh 6,88 ha; đất hàng không dân dụng quản lý 26,82 ha; đất dùng chung 146,8 ha và đất do quân sự quản lý 27,77 ha.
Về quy hoạch khu bay, trong giai đoạn đến năm 2020, đường cất hạ cánh (CHC) kích thước 2.400m×45m với kết cấu bê tông xi măng theo hướng 35-17 sẽ được nghiên cứu xây dựng mới. Lề vật liệu mỗi bên rộng 7,5m với kết cấu bê tông nhựa. Sân quay đầu (sân chờ tàu bay) được nghiên cứu xây dựng ở 2 đầu đường CHC đảm bảo vận hành máy bay A320/A321 đồng bộ với đường CHC.
Giai đoạn 2020, hệ thống đường lăn chỉ nghiên cứu xây dựng một đường lăn đồng bộ với đường CHC nối vào sân đỗ máy bay dân dụng có tim đường cách đầu 35 của đường CHC 1.900m, chiều rộng của đường lăn là 15m, kết cấu mặt đường bê tông xi măng và lề vật liệu hai bên mỗi bên rộng 5m.
Giai đoạn 2030, hệ thống đường lăn nối vào sân đỗ máy bay tại đầu 17 đường CHC và một phần đường lăn song song từ đường lăn nối tại đầu 17 đường CHC đến sân đỗ máy bay, chiều rộng của đường lăn là 15m, kết cấu mặt đường bê tông xi măng và lề vật liệu hai bên mỗi bên rộng 5m.
Giai đoạn 2020, nhiều hạng mục (như sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, nhà làm việc của cảng vụ hàng không, trụ sở điều hành sân bay Điện Biên…) tiếp tục khai thác các cơ sở hạ tầng hiện có, kết hợp sử dụng và duy tu, bảo dưỡng, cải tạo.
Giai đoạn đến năm 2030, một số nội dung có điều chỉnh cho phù hợp. Điển hình như khu hàng không dân dụng được điều chỉnh vị trí; nghiên cứu, đầu tư xây dựng nhà ga hành khách mới với hai cao trình đáp ứng 2 triệu hành khách/năm với diện tích khoảng 9.500 m2; diện tích khu đất dành cho quy hoạch nhà ga hành khách khoảng 31.500 m2 tại khu đất số 4A. Nhà làm việc được quy hoạch trên khu đất 6A, diện tích 5.190 m2; trụ sở điều hành sân bay được quy hoạch tại khu vực nhà ga hành khách hiện hữu tại khu đất số 6B với diện tích khoảng 7.950 m2.
Ngoài ra, Trung tâm đào tạo huấn luyện của Cảng hàng không quy hoạch tại khu đất số 6C với diện tích khoảng 4.700 m2 (vị trí nhà điều hành hiện hữu) sẽ được nghiên cứu xây dựng khi có nhu cầu; Văn phòng đại diện của các hang hàng không xây dựng khi có nhu cầu tại vị trí khu đất số 7G với diện tích khoảng 7.900 m2; đất dành cho các cơ quan quản lý nhà nước (công an, hải quan, kiểm dịch y tế…) bố trí tại khu đất số 7 với tổng diện tích khoảng 8.450 m2…
Suất đầu tư sân bay Long Thành không cao, nhiều lợi thế cạnh tranh với 4 sân bay khu vực
Suất đầu tư của Cảng HKQT Long Thành khoảng 208 USD/hành khách, được Bộ GTVT đánh giá là không cao so với các dự án ... |