|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Suất đầu tư sân bay Long Thành không cao, nhiều lợi thế cạnh tranh với 4 sân bay khu vực

12:00 | 25/05/2017
Chia sẻ
Suất đầu tư của Cảng HKQT Long Thành khoảng 208 USD/hành khách, được Bộ GTVT đánh giá là không cao so với các dự án sân bay lớn khác trong khu vực tại Hongkong, Malaisya, Thái Lan và Singapore.
suat dau tu san bay long thanh khong cao nhieu loi the canh tranh voi 4 san bay khu vuc
Phối cảnh sân bay Long Thành.

Trả lời ý kiến của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thành Nhơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có thông tin về suất đầu tư cũng như lợi thế cạnh tranh của Cảng hàng không quốc tế (HKQT) với 4 sân bay trong khu vực tại Hongkong, Malaisya, Thái Lan và Singapore.

Bộ GTVT đã áp dụng đơn giá của các dự án có tính chất, quy mô... tương tự và tính toán được đơn giá dự tính cho nhà ga sân bay Long Thành là 3.800 USD/m2, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Trong khi đó, Nhà ga hành khách T3 Singapore hoàn thành năm 2006, có đơn giá xây dựng là 3.680 USD/m2; nhà ga T2 Thượng Hải hoàn thành năm 2008, có đơn giá xây dựng là 4.239 USD/m2.

Suất đầu tư của sân bay Long Thành được tính là 208 USD/hành khách (tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 5,2 tỷ USD cho công suất 25 triệu khách). Trong khi đó, suất đầu tư của Cảng hàng không Suvarnabhumi - Thái Lan sau khi quy đổi về thời giá hiện nay là 280 USD (năm 2006 sân bay Suvarnabhumi - Thái Lan có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5 tỷ USD với công suất 45 triệu khách/năm, suất đầu tư là 111 USD/hành khách).

Bộ GTVT nhận định, sau khi rà soát giảm tổng mức đầu tư của dự án, kết quả so sánh cho thấy suất đầu tư sân bay Long Thành không cao so với các dự án khác.

Cảng HKQT Long Thành được hình thành, đưa vào khai thác sau các cảng hàng không trung chuyển lớn trong khu vực như: Chek Lap Kok (Hongkong), Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia)... Vì vậy, giai đoạn đầu Long Thành sẽ khó khăn khi cạnh tranh với các sân bay nói trên do hạ tầng phục vụ công nghiệp hàng không, bảo dưỡng tàu bay, dịch vụ thương mại... chưa đầy đủ...

Tuy nhiên về lâu dài, Cảng HKQT Long Thành vẫn có nhiều lợi thế. Về cơ sở vật chất, Long Thành có quy mô sân bay cấp 4F, đủ điều kiện tiếp nhận tất cả các loại tàu bay hiện đại nhất; được quy hoạch đủ diện tích đất cần thiết để phát triển thành một cảng hàng không hiện đại, đồng bộ các dịch vụ hàng không và phi hàng không; được quy hoạch phát triển thành mô hình thành phố sân bay, gồm các trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...

Ngoài ra, lợi thế của Cảng HKQT Long Thành còn đến từ vị trí địa lý thuận lợi của Việt Nam: nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á; đang quản lý điều hành 2 vùng thông báo bay (FIR) Hà Nội và Hồ Chí Minh với 4/25 đường hàng không nhộn nhịp bậc nhất thế giới; hệ thống đường bay quốc tế, nội địa rộng lớn; chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tiềm năng du lịch lớn...

Trong khi Việt Nam là một thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân, được dự báo là khu vực có tăng trưởng cao về hành khách sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không (đứng thứ ba trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương). Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi xây dựng Cảng HKQT Long Thành có nhu cầu vận chuyển hàng không cao nhất cả nước, đã được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá có khả năng hình thành cảng hàng không trung chuyển để phục vụ cho Liên minh Hàng không Sky Team (Vietnam Airlines đang tham gia)...

Diện tích 2.250ha thực tế cũng là đất phục vụ cho Cảng hàng không Long Thành, vì sao đưa ra thành 1 dự án khác? Vốn đầu tư ra sao?

Theo quy hoạch, diện tích đất dành cho Cảng HKQT Long Thành là 5.000 ha. Sau khi rà soát lại, nhu cầu sử dụng đất cho dự án là 2.750 ha (chỉ tính diện tích đất cần thiết cho các hạng mục hàng không thiết yếu của cảng hàng không). Phần đất này không bao gồm diện tích đất cho quốc phòng (khoảng 1.050 ha) và đất dành cho các hạng mục phụ trợ, đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác (khoảng 1.200 ha).

Trong đó, khoảng 1.050 ha đất phục vụ cho quốc phòng an ninh có thể sẽ tiến hành giải tỏa khi có nhu cầu. Diện tích 1.200 ha còn lại là đất dự trữ cho sự phát triển ngành hàng không trong tương lai và sẽ được giải phóng mặt bằng trong các dự án độc lập khác khi có nhu cầu xây dựng, nguồn vốn sẽ được thực hiện theo từng dự án cụ thể phù hợp với quy hoạch và mục đích sử dụng đất.

Linh Lê