|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phút 89: Để làm gì?

21:17 | 22/12/2016
Chia sẻ
Thời điểm kết thúc năm tài chính 2016 chỉ còn được tính bằng ngày. Trong khi có khá nhiều doanh nghiệp đã hoan hỷ thông báo cán đích lợi nhuận năm từ vài tháng trước, thì có rất nhiều doanh nghiệp khác chọn cách “điều chỉnh kế hoạch kinh doanh” để..."bằng bạn bằng bè".

Điều chỉnh phút 89!

Ngày hôm qua (21/12), Tổng CTCP Hóa dầu Petrolimex (mã PLC) thông báo ĐHĐCĐ đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 với lãi ròng giảm hơn 30%.

Cụ thể, theo kết quả điều chỉnh, sản lượng giảm 7,3% so với kế hoạch ban đầu. Theo đó, doanh thu thuần sau điều chỉnh chỉ đạt gần 4.984 tỷ đồng, giảm 16,7% so với kế hoạch ban đầu và giảm 28% so với thực hiện năm 2015.

Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng được điều chỉnh xuống còn gần 202 tỷ đồng, giảm 32,5% so với kế hoạch ban đầu và giảm 38,6% so với con số thực hiện năm 2015.

Được biết, nguyên nhân của việc điều chỉnh giảm là do là Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex - công ty con của PLC điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, kế hoạch doanh thu của công ty được điều chỉnh giảm từ gần 2.480 tỷ đồng xuống còn 1.481 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 40%. Trong đó, sản lượng tiêu thụ năm 2016 điều chỉnh giảm từ 230.000 tấn xuống còn 204.000 tấn. Điều này kéo theo lợi nhuận sau thuế của công ty bị điều chỉnh giảm từ 120 tỷ đồng xuống còn hơn 7 tỷ đồng tương ứng mức giảm mạnh đến 94%.

Cùng ngày, CTCP Vận tải và Đưa đón thợ mỏ - Vinacomin (mã VTM) cũng thông qua việc điều chỉnh kế hoạch 2016 với doanh thu ở mức 307 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4 tỷ đồng.

Trước đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu 334 tỷ đồng, lợi nhuận 5,7 tỷ đồng, như vậy kế hoạch điều chỉnh đã giảm lần lượt 8% và gần 30% so với kế hoạch ban đầu.

Đầu tháng 12, HĐQT CTCP Sông Đà Cao Cường (mã SCL) cũng công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc điều chỉnh mạnh kế hoạch kinh doanh năm 2016.

Cụ thể, SCL điều chỉnh giảm doanh thu thuần kế hoạch giảm 15% từ 161,4 tỷ đồng còn 137,9 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế giảm đến 72,5%, từ 4,6 tỷ đồng còn 1,3 tỷ đồng. Công ty cũng dự kiến không chia cổ tức trong năm 2016 dù trước đó kế hoạch dự chi với tỷ lệ 2%.

Được biết, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của SCL ghi nhận gần 84 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ, thực hiện 52% so với kế hoạch ban đầu. Lãi ròng chỉ gần 2,7 tỷ đồng, hoàn thành 58% kế hoạch ban đầu.

Như vậy, kế hoạch lãi chỉ gần 1,3 tỷ đồng cho cả năm 2016 cũng đồng nghĩa với việc SCL xác định sẽ lỗ hơn 1 tỷ đồng trong quý cuối năm nay.

Cá biệt, có doanh nghiệp vừa xin điều chỉnh mạnh kế hoạch lợi nhuận từ mức hơn 60 tỷ xuống còn 0 đồng. Đó là trường hợp của Tổng công ty Khoáng sản – TKV (Vimico). Theo đó, TKV đã quyết định điều chỉnh doanh thu hợp nhất tăng 53 tỷ đồng lên 3.900 tỷ đồng, nhưng doanh thu công ty mẹ tổng công ty giảm 21 tỷ đồng còn 1.825 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu khoáng sản hợp nhất đề xuất giảm 321 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm và được bù đắp lại nhờ doanh thu khác.

Theo nghị quyết đã thông qua, Hội đồng quản trị Vimico điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất tổng công ty từ 61,5 tỷ đồng từ đầu năm xuống 0 đồng. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ cũng giảm từ 45,3 tỷ còn 4,2 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức theo kế hoạch mới là 0% so với kế hoạch đầu năm là 2%.

Ngoài ra, các chỉ tiêu về tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản cũng đề xuất giảm mạnh. Trong đó, kế hoạch đối với tổng công ty chỉ còn 1.046,5 tỷ đồng, giảm 479,3 tỷ đồng. Công ty mẹ sẽ điều chỉnh giảm 290,5 tỷ đồng so với đầu năm.

Cổ đông mong muốn nhiều hơn từ những con số!

Thông thường, trong những tháng cuối năm, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng diễn ra sôi nổi hơn. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian gây áp lực lớn đối với những doanh nghiệp còn cách xa mục tiêu đề ra. Bởi vậy, việc nhiều doanh nghiệp xin cắt giảm mục tiêu ngay sát thềm năm mới không còn là điều xa lạ.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia chứng khoán, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh một cách đột ngột và sát nút như vậy, trên thực tế, không có nhiều ý nghĩa.

Việc điều chỉnh, suy cho cùng chỉ có ý nghĩa về mặt kỹ thuật, làm đẹp báo cáo, tức là giúp cho con số đạt được thực tế không quá chênh lệch so với kế hoạch đề ra.

Nó chỉ giúp Ban lãnh đạo doanh nghiệp khỏi “khó ăn khó nói” với cổ đông trong kỳ họp ĐHĐCĐ chứ không hề mang đến cho các nhà đầu tư sự hài lòng về hoạt động của doanh nghiệp.

Điều mà các cổ đông, nhà đầu tư thực sự mong muốn, chính là những lý do thuyết phục giải thích vì sao doanh nghiệp không được như kỳ vọng, và quan trọng hơn, là những giải pháp khả thi từ Ban lãnh đạo giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt trở lại trong năm tới. Điều đó có ý nghĩa hơn nhiều so với việc doanh nghiệp báo cáo đạt chỉ tiêu đề ra, vì đó không phải là chỉ tiêu mà cổ đông kỳ vọng từ đầu.

Trần Thúy