Diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh tăng mạnh
Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến thủy sản. (Ảnh: TBKTSG). |
Do ảnh hưởng của hạn hán, biến đổi khí hậu nên diện tích nuôi tôm của cả nước bị dịch bệnh tăng gần 55% trong những tháng qua.
Thống kê của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, trong 8 tháng của năm nay, đã có 52.000 héc ta nuôi tôm của cả nước bị thiệt hại, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương 8% diện tích nuôi tôm của Việt Nam tính vào thời điểm này.
Vì lý do đó nên sản lượng tôm thu hoạch giảm, theo Bộ NN&PTNT. Sản lượng tôm sú thu hoạch trong 8 tháng qua ước đạt gần 136.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ.
Nguồn cung trong nước không đủ nên theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đã có nhiều doanh doanh tìm cách nhập khẩu tôm từ các nước trong khu vực để có nguồn nguyên liệu nhằm đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Hiện Việt Nam nhập khẩu tôm từ các nước châu Á, trong đó phần lớn là từ Ấn Độ và Indonesia.
Hiện giá tôm sú loại 40 con/kg tại Sóc Trăng là 130.000 đồng/kg, còn tôm thẻ chân trắng cùng loại (40 con/kg) là 135.000 đồng/kg. Do giá tôm thẻ chân trắng cao hơn tôm sú, trong khi thời gian nuôi ngắn hơn, từ 45-60 ngày là có thể thu hoạch, nhanh hơn tôm sú ít nhất 30 ngày nên người dân thả nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều hơn.
Theo Bộ NN&PTNT, diện tích tôm sú được thả nuôi đạt hơn 561.500 héc ta, tăng 2%, còn diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng vào khoảng gần 55.300 héc ta, tăng hơn 17% so với cùng kỳ 8 tháng năm ngoái.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản ước đạt 4,3 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn