|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điện thoại Samsung, Apple giảm giá sâu

07:48 | 27/06/2023
Chia sẻ
Áp lực tăng doanh số và cạnh tranh với đối thủ buộc các đơn vị bán lẻ phải giảm giá các mẫu smartphone để thu hút khách hàng.

Điện thoại cao cấp giảm giá chục triệu đồng

Mới đây, thông tin gian bán hàng của Samsung 68, toà Bitexco, TP HCM đã niêm yết giá mẫu điện thoại Samsung Galaxy S23 (8/265) ở mức hơn 13 triệu đồng, giảm 9,9 triệu đồng so với giá niêm yết; hay Galaxy Z Flip4 giảm 11 triệu đồng xuống 12,9 triệu đồng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Đây là hai mẫu máy điện thoại cao cấp mới nhất của Samsung trong năm nay. Theo tìm hiểu, mức giá này chỉ áp dụng khi bán trực tiếp tại cửa hàng và có số lượng hạn chế.

Trên thị trường, các mẫu smartphone Samsung cũng ghi nhận tình trạng giá giảm trong thời gian gần đây. 

Cụ thể, tại chuỗi Thế Giới Di Động, Samsung Galaxy S23 (8/265) đang giảm 4,5 triệu đồng còn 20,5 triệu đồng. Phiên bản cao cấp nhất của dòng máy này là S23 5G Ultra 1TB được giảm 9 triệu đồng, xuống 35,9 triệu đồng so với giá niêm yết.

Các phiên bản Samsung Galaxy S khác đang bán tại hệ thống Thế Giới Di Động có mức giảm giá cao nhất là 41% và thấp nhất là 11% tuỳ dòng máy. 

Theo quan sát, mức giá giảm các mẫu smartphone Samsung cũng tương tự tại hệ thống CellphoneS. Do đó, đây có thể là chính sách của nhà sản xuất nhằm tăng doanh số trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao.

Điện thoại Samsung giảm giá sâu. (Ảnh: Phước Thinh/Vật vờ Studio).

Không chỉ các mẫu điện thoại thương hiệu Samsung, đối thủ Apple cũng ghi nhận tình trạng giảm giá sâu ở các đại lý bán lẻ. Đơn cử, giá iPhone 14 Pro Max đang được bán ở mức khoảng 26,2 triệu đồng cho phiên bản 128GB, giảm 8,8 triệu đồng so với giá ban đầu. Các phiên bản iPhone 14, iPhone 14 Plus và iPhone 14 Pro cũng có mức giảm giá từ 6 đến 9 triệu đồng tùy theo tuỳ theo lựa chọn bộ nhớ.

Một thương hiệu điện thoại khác có thị phần lớn ở Việt Nam là Xiaomi cũng không nằm ngoài xu hướng giảm giá chung. Mẫu điện thoại cao cấp nhất của hãng là Xiaomi 13 Pro đang có mức giá khoảng 23,5 triệu đồng, thấp hơn 6,5 triệu đồng so với giá niêm yết.

Những tổn hại khi theo đuổi cuộc chiến về giá

Ngoài chiến lược giảm giá đến từ nhà sản xuất, đây có thể là hệ quả của một loạt các biện pháp kích thích mua sắm đến từ các đại lý bán lẻ ở Việt Nam trong thời gian qua. Mở đầu là chiến dịch “giá rẻ quá”, “ở đâu giá rẻ, ở đây rẻ hơn” của hai ông lớn trong ngành là Thế Giới Di Động và FPT Shop. Sau này là sự nhập cuộc của các chuỗi nhỏ hơn như Di Động Việt với “rẻ hơn các loại rẻ”.

Ngoài cạnh tranh về giá, các đơn vị bán lẻ còn hợp tác với các nhà sản xuất theo công thức “mở bán đặc biệt”, hay các ưu đãi được dành riêng cho hệ thống của mình, “ký kết hợp tác”,… để bán độc quyền các sản phẩm tại chuỗi, qua đó gia tăng lợi thế thu hút khách hàng.

Nhìn nhận về cuộc chiến giá cả đang diễn ra trên thị trường, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS đánh giá: “Lúc này cuộc cạnh tranh giá giữa các nhà lớn sẽ làm thu hẹp khoảng cách giá của các nhà lớn với các cửa hàng hay chuỗi nhỏ lẻ khác.

Thị trường liên tục có sự sụt giảm về tổng và thị phần sẽ phân chia lại có sự dịch chuyển từ các cửa hàng nhỏ lẻ, chuỗi nhỏ hơn sang các nhà lớn. Cuộc chiến về giá đang làm toàn bộ ngành bán lẻ tổn hại và người tiêu dùng không được hưởng một dịch vụ tốt nữa”.

Về phía đơn vị bán lẻ, việc theo đuổi chính sách về giá đang làm giảm doanh thu họ. Đơn cử, tại Thế Giới Di Động, lần đầu tiên trong lịch sử chuỗi bán lẻ này ghi nhận doanh thu bán điện thoại, máy tính thấp hơn cả bán tạp hoá (thịt cá, rau củ). 

Theo công bố, sau 5 tháng đầu năm, hai chuỗi Thế Giới Di Động (bao gồm cả TopZone) và Điện Máy Xanh mang về khoảng 35.000 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Trong khi Bách Hóa Xanh đạt doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, và đóng góp 23,6% doanh thu chung toàn công ty.

Đức Huy

Xu hướng tín dụng các ngân hàng đang thay đổi: Tăng bán buôn hay mở rộng bán lẻ?
Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu, các ngân hàng đang tìm mọi cách thay đổi để phát triển quy mô cho vay của mình. Nhiều nhà băng chọn tập trung đẩy mạnh bán buôn trong khi một số lại muốn phát triển những mảng không phải thế mạnh của mình.